Thông tin Đề tài

Tên đề tài Sử dụng tư liệu viễn thám đa thời gian và GIS, theo dõi biến động lớp phủ trên lưu vực sông Đà góp phần giám sát bồi tích hồ Hòa Bình
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Địa chất và Địa vật lý biển
Thuộc Danh mục đề tài Hướng Công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa và công nghệ vũ trụ (VAST01)
Họ và tên KSC. Nguyễn Tứ Dần
Thời gian thực hiện 01/01/2006 - 01/01/2007
Tổng kinh phí 270 triệu đồng
Kết quả chính của đề tài
  • Hiện tượng bồi lấp hồ chứa với các quá trình ngoại sinh trên sườn đặc biệt là xói mòn và trượt lở đất có quan hệ mật thiết với nhau. Lượng vật chất bị phá hủy và di chuyển trên sườn càng lớn thì hồ chứa càng nhanh chóng bị bồi lấp.
    Mặt khác, quá trình xói mòn, trượt lở đất và lũ bùn đá lại liên quan đến một loạt yếu tố như mưa, hình thái sườn dốc, thổ nhưỡng, phương thức canh tác và lớp phủ thực vật, trong đó mưa và lớp phủ thực vật là hai yếu tố quan trọng nhất. Trong điều kiện khoa học và kỹ thuật hiện tại thì chúng ta vẫn chưa chế ngự được mưa, do đó hiện nay, vấn đề là phải làm sao theo dõi, giám sát và điều khiển được lớp phủ thực vật theo ý muốn đồng nghĩa với việc làm giảm các quá trình ngoại sinh trên sườn và đó chính là làm giảm lượng bồi tích đưa vào hồ chứa. Bởi do tình trạng không bảo vệ được rừng ở các khu vực trọng yếu làm mất khả năng phòng hộ, quá trình trượt đất, xói mòn, lũ bùn đá trực tiếp hoặc gián tiếp đưa vật chất xuống hồ gây nên hiện tượng bồi lấp hồ chứa.
  • Hiện nay, với công nghệ xử lý ảnh đã dần hoàn thiện, các tư liệu viễn thám ngày một phong phú, thời gian bay có nhiều chu kỳ, đặc biệt là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang thực hiện đề án “Vệ tinh nhỏ” với thời gian bay chụp hàng ngày thì vấn đề theo dõi biến động lớp phủ thực vật sẽ dễ dàng hơn.
  • GIS là một công cụ hữu hiệu trong phân tích không gian, mô hình hóa, các kết quả của nó được thể hiện đa dạng dưới dạng các bản đồ số, mặt cắt, biểu bảng ... cho chúng ta cái nhìn trực quan về kết quả nghiên cứu.
    Nhờ công nghệ GIS, trong quá trình nghiên cứu, đối sánh, so sánh các mối quan hệ giữa các lớp thông tin với nhau  chúng ta chỉ cần chồng hai lớp thông tin cần quan tâm.
  • Để làm giảm lượng bồi tích đưa vào hồ chứa, cần theo dõi lớp phủ. Sử dụng công nghệ GIS, chồng lớp thông tin về hiện trạng lớp phủ xử lý từ ảnh vệ tinh các thời kỳ lên lớp thông tin về nguy cơ xói mòn và trượt lở đất, từ đó có ngay lời giải cho vấn đề ưu tiên che phủ chỗ nào trước nhất, tránh đầu tư trồng rừng dàn trải, không có quy hoạch, không có định hướng. Đây là một ứng dụng mới mà đề tài mang lại.
  • Hy vọng rằng đề tài góp một phần nhỏ của mình vào công cuộc chinh phục và chế ngự thiên nhiên, đồng thời cùng các nhà chuyên môn trong lĩnh vực viễn thám và GIS nói riêng và địa lý địa chất nói chung hoàn thiện một phương pháp mới, có nhiều triển vọng này.
Sản phẩm đề tài
  • 01 Báo cáo tổng kết dày 133 trang, với 23 bản đồ cùng các đồ thị, sơ đồ, biểu bảng.
  • Đĩa CD lưu trữ toàn bộ cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên lưu vực sông Đà cũng như toàn bộ báo cáo nêu trên.
  • Kết quả của đề tài ngoài những sản phẩm đã đăng ký, đề tài còn xây dựng thêm bản đồ nguy cơ xói mòn và trượt lở đất cho khu vực nghiên cứu. Đây là một sản phẩm mới lần đầu tiên được các tác giả thành lập dựa trên công nghệ GIS.