VNNIC đào tạo kỹ thuật công nghệ chuyển đổi IPv6 dành cho các Sở TT&TT khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Được VNNIC xây dựng, tổ chức từ năm 2016, Hội nghị VNIX-NOG trở thành diễn đàn kỹ thuật chuyên sâu thường niên dành cho các chuyên gia Internet Việt Nam, theo mô hình NOG quốc tế (Network Operator Group), nhằm kết nối các nhóm đối tượng thành viên VNIX, kỹ sư, chuyên gia vận hành mạng Internet Việt Nam, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý, nâng cao chất lượng kết nối Internet trong nước, quốc tế; thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới về Internet.
Đào tạo kỹ thuật công nghệ chuyển đổi IPv6 giai đoạn 2 dành cho các CQNN
Thực hiện Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021-2025 (IPv6 for Gov), ban hành theo Quyết định số 38/QĐ-BTTTT ngày 14/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023, VNNIC đã nâng cao, cải tiến phiên bản mới chương trình đào tạo về chuyển đổi IPv6 với kiến thức mới nhất, phù hợp với thực tiễn mạng, dịch vụ hiện nay của các cơ quan nhà nước.
Trên cơ sở đó, VNNIC đã phối hợp với Sở TT&TT Lâm Đồng tổ chức Chương trình đào tạo kỹ thuật công nghệ chuyển đổi IPv6 giai đoạn 2 cho gần 50 kỹ sư, cán bộ quản trị mạng của các Sở TT&TT khu vực miền Trung, Tây Nguyên và một số tổ chức, doanh nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.
Chương trình có sự tham gia, trình bày của chuyên gia quốc tế đến từ Trung tâm Thông tin mạng châu Á – Thái Bình Dương (APNIC). Qua chương trình, các học viên nắm bắt tổng thể hiện trạng và yêu cầu chuyển đổi IPv6 trong nước và toàn cầu; lựa chọn mô hình, cách thức quy hoạch địa chỉ IPv6, những kỹ thuật, công nghệ về chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng mạng trung tâm dữ liệu; mạng truy cập Internet (Wifi, Lan) và dịch vụ như hệ thống máy chủ tên miền DNS, Cổng Thông tin điện tử, Email; cách quản trị, vận hành, giám sát hoạt động mạng lưới, dịch vụ trên IPv6,…đồng thời được giải đáp các vướng mắc trong quá trình triển khai IPv6 thực tế.
Ứng dụng, phát triển kỹ thuật công nghệ mới trong đảm bảo an toàn hạ tầng Internet Việt Nam
Khởi đầu từ mục tiêu giải quyết bài toán bất cập về lưu lượng Internet trong nước đi vòng qua quốc tế do không có kết nối trực tiếp giữa các ISP, đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập và phát triển Internet, năm 2003, Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) được Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập, giao Trung tâm Internet Việt Nam phát triển, quản lý vận hành. Tính đến nay, VNIX đã có 05 điểm kết nối với hơn 50 mạng thành viên, 72 cổng kết nối, băng thông kết nối đạt 451 Gbps, lưu lượng sử dụng đỉnh đạt hơn 60 Gbps.
Trong 20 năm qua, VNIX đã phục vụ cộng đồng, thúc đẩy, phát triển Internet Việt Nam, thực hiện tốt các mục tiêu trung lập, phi lợi nhuận, vì lợi cộng đồng: Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để kết nối, giúp giảm chi phí kết nối, giảm độ trễ truy cập và nâng cao chất lượng mạng Internet Việt Nam; Đảm bảo an toàn, kết nối Internet trong nước, dự phòng kết nối khi các đường Internet quốc tế bị sự cố; thúc đẩy chuyển đổi Internet IPv6 Việt Nam; Cung cấp các dịch vụ da dạng, miễn phí cho cộng đồng thành viên: DNS quốc gia “.vn”; DNS Root; DDoS Mitigation; i-Speed; NTP; Looking Glass; Tạo môi trường mở marketplace để các thành viên kết nối trao đổi lưu lượng, cung cấp dịch vụ tại VNIX.
Thông qua cộng đồng thành viên VNIX, VNNIC đã xây dựng, mở rộng phát triển cộng đồng chuyên gia mạng, kỹ sư Internet Việt Nam ngày càng lớn mạnh thông qua các chương trình đào tạo và Hội nghị VNIX-NOG.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam nhấn mạnh: “Trong giai đoạn phát triển mới, VNIX sẽ tiếp tục phát huy vai trò trung lập, phi lợi nhuận, vì cộng đồng; là trung tâm kết nối giữa các mạng độc lập, phát triển trở thành hạ tầng số kết nối các nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần đưa Việt Nam trở thành Hub khu vực.”
Tại sự kiện, bên cạnh thảo luận về vai trò của VNIX, Hội nghị cũng trao đổi về xu hướng phát triển, kết nối tới trạm trung chuyển Internet nói chung nhằm thúc đẩy phát triển Internet khu vực; chia sẻ kinh nghiệm quản trị, vận hành, nâng cao chất lượng mạng và ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới trong đảm bảo an toàn định tuyến, an toàn hạ tầng Internet Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, VNNIC tiếp tục phát triển cộng đồng chuyên gia Internet Việt Nam thông qua các sự kiện VNIX-NOG, VNNIC Internet Conference,… hướng tới thúc đẩy Internet Việt Nam thông minh, an toàn, bền vững./.
Nguồn tin: Mic.gov.vn