Nhân lực số

25/05/2022
Nhân lực số là lực lượng lao động kỹ thuật chuyên nghiệp, trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, an toàn thông tin... Nguồn nhân lực số được xác định là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định tới thành công của chuyển đổi số quốc gia.

Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: Công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin. Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 53.000 (nếu tính cả đào tạo cao đẳng, trung cấp thì con số này vào khoảng hơn 65.000). Với năng lực đào tạo này, trong những năm gần đây, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thực hiện chuyển đổi số, trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng cao để thực hiện chuyển đổi số. Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỉ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỉ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).

Không chỉ là vấn đề số lượng, chúng ta cũng thiếu hụt nhân lực có kiến thức, kỹ năng, làm chủ các công nghệ mới, công nghệ đặc trưng của chuyển đổi số như: Trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, tự động hóa hay blockchain. Các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, trong khi đó, chương trình đào tạo đang chưa theo kịp.

Mô hình đại học số, hiểu một cách đơn giản là chuyển đổi số giáo dục đại học, đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, của giảng viên, sinh viên lên môi trường số. Và vì chuyển đổi hoàn toàn lên môi trường số, mô hình hoạt động của một trường đại học số trở nên linh hoạt và vượt qua nhiều giới hạn vật lý mà một ngôi trường truyền thống gặp phải, dẫn tới dịch vụ giáo dục được tiếp cận dễ dàng hơn, đào tạo được nhiều hơn, chi phí thấp hơn, với chất lượng tối thiểu tương đương. Một trường đại học hoạt động theo mô hình đại học số cung cấp cả dịch vụ đào tạo trực tiếp lẫn trực tuyến một cách linh hoạt.

Kỹ năng số, nhân lực số là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất đối với công cuộc chuyển đổi số. Báo cáo chuyên đề tuần này ngoài việc đi từ các số liệu thực tế, kinh nghiệm triển khai thử nghiệm đại học số của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông còn cung cấp kinh nghiệm thực tiễn của Hàn Quốc, Ấn Độ và từ đó có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo chi tiết chuyên đề tuần 20 có thể tải về từ đường dẫn dưới đây:
https://drive.google.com/file/d/1pnWqE6g4ZdS3BrmmNg_E7oI_BoNkpzri/view

Nguồn tin: Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số


Tags:
Tin liên quan