Chuyển đổi số cần bám sát và lấy thực tiễn làm thước đo

08/06/2022
Trong kết luận phiên họp thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm triển khai chuyển đổi số là cần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Cần liên tục đổi mới, có tư duy đột phá trong chuyển đổi số

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại phiên họp thứ hai của Ủy ban vào ngày 27/4.

Cùng với việc đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai chuyển đổi số thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: Chuyển đổi số quốc gia là công việc lớn, có nhiều khó khăn, thách thức, phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sự phát triển chung của đất nước, thực hiện các mục tiêu quan trọng của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đề ra, yêu cầu của sự phát triển gắn với thực tiễn.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, thực hiện có trọng tâm để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Ủy ban họp định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm cần có những sản phẩm nhất định, hiệu quả cụ thể, kiểm điểm được, mang lại lợi ích quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cũng trong kết luận phiên họp này, Thủ tướng đã thống nhất một số quan điểm trong việc triển khai chuyển đổi số, cụ thể: Cần liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được nhằm tạo không gian phát triển mới, động lực mới. Cùng với đó, cần phát huy tính chủ động, sáng tạo và huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi số gắn với thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả, sản phẩm cụ thể. Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, có tính kết nối, liên thông cao. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ được phân cấp, phân quyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời, cần hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát để đánh giá, đo lường kết quả công việc, kịp thời nhân rộng những mô hình hay, kết quả tốt và phê bình, kiểm điểm các công việc không hoàn thành, kém chất lượng.

Đẩy nhanh triển khai mô hình giáo dục đại học số

Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý II năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, kế hoạch năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Toàn văn Thông báo Kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính xem tại đây.



Tags:
Tin liên quan