Cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tích cực tham gia Chương trình tập huấn, đào tạo IPv6 cho khối Bộ, ngành và các cơ quan trung ương do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức

19/06/2023
Từ ngày 25-26/5/2023, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Chương trình tập huấn, đào tạo IPv6 cho các cán bộ kỹ thuật các đơn vị phụ trách CNTT của 32 đơn vị khối Bộ, ngành, các Văn phòng Trung ương và các cơ quan trung ương. Chương trình đào tạo nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực IPv6, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ các CQNN trong chuyển đổi IPv6 kết hợp tái kiến trúc hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT theo hướng hiện đại, phục vụ phát triển hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Trung tâm Tin học và Tính toán, là đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin và là cơ quan thường trực về chuyển đổi số tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tích cực tham gia các Chương trình tập huấn, đào tạo về Ipv6 của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Đến nay, cán bộ thuộc Trung tâm Tin học và Tính toán đã và đang xây dựng, vận hành có hiệu quả các hệ thống thông tin, hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Viện Hàn lâm trong việc triển khai chuyển đổi số hướng tới xây dựng và phát triển Chính phủ số.


Ông Nguyễn Trường Giang Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) phát biểu khai mạc chương trình đào tạo

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác chuyển đổi IPv6 cho mạng, dịch vụ cơ quan nhà nước, kết hợp tái kiến trúc hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT của CQNN theo hướng hiện đại, phục vụ phát triển hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, các cơ quan chuyên trách công nghệ thông tin của khối Bộ, ngành đóng vai trò tham mưu xây dựng, triển khai kế hoạch, chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT của CQNN, bám sát mục tiêu Chương trình IPv6 For Gov. Các chương trình đào tạo, tập huấn IPv6 VNNIC triển khai sẽ hỗ trợ giải quyết vấn đề nguồn nhân lực về công nghệ IPv6 cho CQNN.

Khóa đào tạo được thiết kế mới, sát với thực tế, dành riêng cho khối Bộ, ngành, các Cơ quan Trung ương. Các học viên được hướng dẫn các nội dung chính sách, quy định, đến các nội dung mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng mạng, các dịch vụ kết nối, dịch vụ DNS, đặc biệt là hướng dẫn cách thức chuyển đổi IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử của CQNN.


Cán bộ Trung tâm Tin học và Tính toán (ở giữa) nhận Giấy Chứng nhận tham Chương trình đào tạo, tập huấn

Khóa đào tạo đã ghi nhận sự tham gia tích cực, trao đổi sôi nổi của các học viên về vấn đề xây dựng kế hoạch, quy hoạch hạ tầng mạng lưới của đơn vị. Kết thúc khóa học, các học viên được trao Chứng nhận tham gia chương trình đào tạo. ThS. Trần Văn Sinh - Cán bộ Trung tâm Tin học và Tính toán – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vinh dự là 1 trong 3 cán bộ được trao Chứng nhận là học viên đạt thành tích xuất sắc nhất trong khóa học. Việc các cán bộ Trung tâm Tin học và Tính toán tích cực tham gia vào các chương trình tập huấn, đào tạo đã góp phần phát triển nguồn nhân lực IPv6 cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các kiến thức được đào tạo giúp ứng dụng trực tiếp vào chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng mạng, dịch vụ CNTT tại Viện Hàn lâm.

Chụp ảnh lưu niệm

Trong thời gian tới, Trung tâm Internet Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo về công nghệ IPv6 trực tiếp; tổ chức Webinar IPv6 trực tuyến trên nền tảng VNNIC Internet Academy để hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương để chuyển đổi IPv6; giúp các cơ quan sớm hoàn thành mục tiêu 2023 theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 02/CT-TTg năm 2022 và Chỉ thị số 03/CT-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Với các hoạt động sớm và đúng hướng, hiện Việt Nam đạt được kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi IPv6.Tính đến tháng 5/2023, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên Internet Việt Nam hiện đạt 57% (tăng 4% so với 2022), với hơn 65 triệu thuê bao FTTH, mobile hoạt động tốt với IPv6. Việt Nam đã thứ 2 tại khu vực ASEAN, thứ 3 Châu Á và thứ 10 toàn cầu (vượt qua Mỹ). Mạng Internet Việt Nam đã hoạt động ổn định trên nền địa chỉ IPv6. Đối với Chương trình IPv6 For Gov, tính đến tháng 5/2023, 20/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch IPv6; 16/30 Bộ, ngành và 62/63 địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử, cổng dịch vụ công.

 


Tổng hợp: Minh Tâm

 



Tags:
Tin liên quan