"Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một chặng đường dài, là ứng dụng nhiều hơn là nghiên cứu" là một trong các điểm chính trong bài Phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên họp chuyên đề phát triển kinh tế số các ngành, lĩnh vực
Phát triển kinh tế số thì bao gồm phát triển lĩnh vực công nghiệp ICT và phát triển kinh tế số các ngành, các lĩnh vực. Nhưng kinh tế số các ngành, các lĩnh vực sẽ là chính. Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi số để tạo ra kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế.
Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một chặng đường dài, là ứng dụng nhiều hơn là nghiên cứu. Ứng dụng thì đặc điểm dân tộc, văn hoá, ngữ cảnh đất nước, đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực là yếu tố quyết định. Và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, vì do am hiểu bối cảnh Việt Nam. Bài toán Việt Nam tạo ra lời giải và sản phẩm Việt Nam, tạo ra cách tiếp cận Việt Nam. Việt Nam phải đi con đường Việt Nam. Và vì đi con đường Việt Nam mà chúng ta có cơ hội tiến lên đi đầu. Đi con đường người khác thì cũng mãi sẽ chỉ là người theo sau. Một lý luận về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam là có ý nghĩa quyết định. Bộ TT&TT đặt mục tiêu xây dựng lý luận này.
Muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới, cần động lực mới. Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
Phát triển kinh tế số Việt Nam thì phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải đầu tư vào hạ tầng số, phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, phải hoàn thiện thể chế số, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và thu hút nhân tài số.
Bộ trưởng nói rõ thêm về một số thành tố của kinh tế số.
Về công nghiệp ICT, hay còn gọi là công nghiệp công nghệ số. Nó bao gồm viễn thông, phần mềm, dịch vụ CNTT, phần cứng, Internet (nội dung số, nền tảng số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây). Nó dẫn dắt sự phát triển kinh tế số, vì nó cung cấp hạ tầng số, công nghệ số, sản phẩm số, dịch vụ số và giải pháp số để phát triển kinh tế số.
Về kinh tế số các ngành, các lĩnh vực, hay còn gọi là chuyển đổi số các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đó là ứng dụng công nghệ số vào các ngành công nghiệp truyền thống để tạo ra đầu ra mới và đầu ra mới này đóng góp vào kinh tế số. Kinh tế số không đứng riêng mà là một nền kinh tế tích hợp, đứng trong nền kinh tế thực, tích hợp vào nền kinh thế thực, làm cho nền kinh tế thực hiệu quả hơn, chất lượng hơn.
Về tốc độ của nền kinh tế. Nền kinh tế của thế giới chúng ta đã đạt đến một trình độ mà ở đó nhiều hoạt động vật lý đã nhanh hơn các hoạt động phi vật lý. Vì thế, tốc độ của nền kinh tế bây giờ lại bị phụ thuộc vào tốc độ của các hoạt động phi vật lý. Nhưng các hoạt động phi vật lý này lại có thể đưa lên online. Và khi đưa lên online thì tốc độ của nó sẽ tăng lên, và vì thế mà làm cho tốc độ của cả nền kinh tế cũng sẽ tăng theo. Sản xuất, tiêu thụ thì vẫn vật lý, nhưng nhiều quyết định về sản xuất, về tiêu thụ có thể lên online, thí dụ như quyết định mua trên sàn thương mại điện tử là online, giao hàng vẫn offline, nhưng tốc độ của hoạt động mua sắm đã tăng đáng kể. Bởi vậy, kinh tế số là chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online, dùng các khâu online này để tăng tốc, để thúc đẩy các khâu còn lại. Bất kỳ một khâu nào của hoạt động kinh tế được online là đã tạo ra một hệ số nhân cho toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng. Hãy suy nghĩ theo cách này để thấy một thay đổi nhỏ có thể tạo ra một kết quả lớn.
Về quản trị số, có thể coi đây như là quan hệ sản xuất. Quản trị số để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế số được nhanh, bền vững. Nó là thành phần quan trọng của hiện đại hoá quản trị quốc gia. Là mô hình quản trị quốc gia mới, sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ công, hệ thống giám sát, ra quyết định dựa trên dữ liệu, nâng cao năng lực thực thi. Quản trị số bao gồm đổi mới mô hình quản trị, dùng công nghệ số nâng cao chất lượng hệ thống quản trị, năng lực quản trị ở tất cả các cấp. Trợ lý ảo cho cán bộ công chức là một thí dụ.
Về dữ liệu. Dữ liệu là yếu tố sản xuất mới. Tạo ra giá trị từ dữ liệu là quan trọng nhất. Tạo ra giá trị từ dữ liệu bao gồm thu thập, chuẩn hoá dữ liệu, xác định quyền dữ liệu, gán nhãn dữ liệu, định giá dữ liệu, trao đổi dữ liệu, tạo ra thị trường dữ liệu, bảo vệ dữ liệu.
Về ứng dụng mạnh mẽ AI trong mọi lĩnh vực. AI, nhất là học sâu, đã qua giai đoạn khám phá, nghiên cứu, đã bước vào giai đoạn ứng dụng. Nghiên cứu, khám phá thì cần giới tinh hoa, bỏ ra công sức vài chục năm mới có một đột phá. Mỹ và một số nước phát triển vẫn đang là người đóng vai chính trong giai đoạn nghiên cứu, khám phá. Việt Nam thì chưa tham gia được nhiều trong giai đoạn này. Nhưng giai đoạn ứng dụng thì chỉ cần mức kỹ sư, cần nhiều kỹ sư mức ứng dụng, ai nhanh chân ứng dụng thì sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. AI đã trở thành như điện của Cách mạng công nghiệp lần thứ 2, như động cơ hơi nước của Cách mạng công nghiệp lần thứ 1, nó cần được phổ cập, thâm nhập vào mọi lĩnh vực, mọi nơi, mọi chốn, mọi công việc hàng ngày, của mọi người, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức. Nhanh chóng phổ cập hoá ứng dụng AI, nhưng phải là AI do chúng ta phát triển, do chúng ta “nuôi dạy” (dữ liệu, mục tiêu, lựa chọn thuật toán, huấn luyện là của chúng ta). Muốn phổ cập AI thì phải biến nó thành dịch vụ và cung cấp qua mạng viễn thông đến mọi người dân, doanh nghiệp như là dịch vụ điện thoại di dộng vậy, và giá cũng phải rẻ. Để AI phát triển lành mạnh thì Chính phủ cũng sẽ sớm ban hành một bộ quy tắc ứng dụng AI, bởi vì AI được coi là tạo ra nguy cơ còn lớn hơn cả năng lượng hạt nhân. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta hạn chế ứng dụng AI mà ngược lại, cần đẩy nhanh ứng dụng mặt tích cực của nó. Bộ TT&TT cũng sẽ trình Chính phủ một chương trình hành động quốc gia về ứng dụng AI trong chuyển đổi số, trong chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. AI sẽ giúp tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tạo ra các giá trị mới. AI sẽ đóng vai trò chính trong phát triển kinh tế số...
Xem chi tiết bài phát biểu của Bộ trưởng tại Phiên họp chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số với nội dung phát triển kinh tế số các ngành, các lĩnh vực tại đây.
Nguồn tin: https://mic.gov.vn
Xử lý tin: Minh Tâm