• Nghiên cứu, ứng dụng triển khai các đề tài Khoa học - Công nghệ: Nghiên cứu, ứng dụng triển khai các đề tài Khoa học - Công nghệ: Tập trung vào các hướng nghiên cứu phục vụ sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường, quản lý và phát triển kinh tế biển, đảo. Hiện nay các cán bộ của Viện đang tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ trong các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước như: - Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. - Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. - Chương trình Mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu. - Chương trình KHCN Vũ trụ. Từ các kết quả nghiên cứu trên, nhiều sản phẩm của đề tài đã được đưa vào ứng dụng hiệu quả trong nghiên cứu KHCN trong việc quy hoạch lãnh thổ, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và phòng tránh thiên tai, ổn định đời sống của các địa phương. Viện Địa lý đã chủ trì và tham gia thực hiện nhiều đề tài KH&CN các cấp. Chỉ tính riêng năm 2013 đến nay, Viện đã chủ trì thực hiện 29 đề tài cấp Nhà nước, trong đó có 4 đề tài độc lập, 3 nhiệm vụ KHCN theo Nghị định thư, 15 đề tài thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, 5 Đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc Quỹ phát triển KHCN Quốc gia (NAFOSTED), 1 Đề tài thuộc Dự án sưu tập bộ mẫu vật Quốc gia về thiên nhiên Việt Nam, 1 đề tài bảo vệ môi trường và 5 đề tài ủy quyền thực hiện tại Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam. Ở cấp Viện HLKHCNVN, Viện Địa lý đã chủ trì thực hiện 40 đề tài, bao gồm: 23 đề tài thuộc 7 hướng ưu tiên, 01 đề tài độc lập trẻ, 12 đề tài hợp tác với các Sở ban ngành địa phương, 3 đề tài hợp tác quốc tế; 20 đề tài cơ sở trẻ, 77 đề tài cấp cơ sở; Ngoài ra, Viện thực hiện trên 100 hợp đồng khoa học và công nghệ với các Sở KH&CN, các Doanh nghiệp bằng kinh phí sự nghiệp khoa học, đề tài nhánh với các tổ chức khoa học khác với tổng số tiền trên 168 tỷ đồng. Kết quả nghiên cứu của các đề tài KH&CN hầu hết đều có chất lượng tốt và được cơ quan quản lý các cấp, các đơn vị hợp tác với Viện đánh giá cao, đóng góp quan trọng, hiệu quả vào sự phát triển chung của Đất nước và của ngành khoa học Địa lý Viện Địa lý đã công bố được trên 1.000 bài báo khoa học trên các Tạp chí Quốc tế, trong nước có uy tín, trong Kỷ yếu Hội nghị, Hội thảo quốc gia và quốc tế; xuất bản được trên 40 sách chuyên khảo, sách tham khảo, sổ tay hướng dẫn và giáo trình phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy. • Hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu KH&CN: Công tác hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ và đào tạo sau đại học của Viện khá sôi động, đặc biệt là giai đoạn 2013 - 2018 với việc tổ chức các đoàn ra và đón đoàn vào nhằm thực hiện có hiệu quả các dự án/đề tài hợp tác quốc tế; tổ chức các hội thảo và seminar khoa học với sự chia sẻ thông tin của cộng đồng các nhà khoa học quốc tế; đào tạo và trao đổi cán bộ khoa học với các đối tác có quan hệ truyền thống; hợp tác nghiên cứu và nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ khoa học trẻ của Viện trong lĩnh vực địa lý, tài nguyên và môi trường. Hoạt động hợp tác quốc tế đã đem lại những hiệu quả to lớn không chỉ trong công tác nghiên cứu khoa học mà còn trong đào tạo, nâng cao năng lực của các cán bộ và công bố các công trình khoa học của Viện. Hiện nay, Viện Địa lý đang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với các nước truyền thống như Nga, Đan Mạch, Đức, Bỉ, Ucraina, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Lào,... Nhân dịp Lễ kỷ niệm lần này, Viện chúng tôi rất vinh dự được đón tiếp các nhà khoa học đến từ Hiệp Hội Địa lý Nhật Bản, Viện Địa lý Thái Bình Dương, Phân Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Hội Quan trắc Trái đất Đài Loan. Viện Địa lý đã phối hợp cùng các tổ chức quốc tế tổ chức thành công các Hội nghị khoa học, thường xuyên – tăng cường hội nhập và nâng cao uy tín cho khoa học Địa lý Việt Nam. • Công tác đào tạo: Từ năm 2014, theo Quyết định Thủ tướng CP Học viện Khoa học và Công nghệ trực thuộc Viện HL KHCNVN được thành lập. Khoa Địa lý là một trong 12 khoa chuyên ngành trực thuộc Học viện và Viện Địa lý là đơn vị nòng cốt của Khoa; Hiện nay Khoa có 4 mã ngành đào tạo trình độ Tiến sỹ gồm: Địa lý tự nhiên; Địa lý tài nguyên và môi trường; Thủy văn học; Bản đồ, Viễn thám và Hệ thông tin địa lý và đang quản lý 20 NCS đang học tập và nghiên cứu tại Viện và Khoa. Hàng năm, Khoa Địa lý thường xuyên tuyển sinh cho các mã ngành đào tạo này từ 6 đến 8 NCS. Như vậy, từ khi trở thành cơ sở đào tạo SĐH đến nay, Viện Địa lý và Khoa Địa lý đã tuyển sinh được 98 NCS; trong đó có 59 NCS bảo vệ thành công luận án và đã được cấp bằng Tiến sĩ. Các NCS sau khi tốt nghiệp đã tiếp tục đóng góp quan trọng, hiệu quả vào công tác nghiên cứu khoa học, cho sự nghiệp đào tạo và phát triển của khoa học địa lý tại các Trường đại học, Viện nghiên cứu trong nước. Nhiều NCS đã trở thành các nhà quản lý tại các Bộ, Ban ngành ở Trung ương và các địa phương trong cả nước. - Đào tạo chuyển giao công nghệ: Trong khuôn khổ các đề tài, dự án, Viện đã phối hợp cùng với các chủ nhiệm đề tài, dự án tổ chức các lớp tập huấn nhằm hướng dẫn sử dụng các công nghệ : + Sử dụng mô hình thủy văn thủy lực trong việc phòng tránh thiên tai (lũ lụt, xâm nhập mặn, hạn hán...) + Sử dụng cơ sở dữ liệu GIS trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh thiên tai nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ của các cán bộ của các ngành, các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam... |