Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 – Techconnect and Innovation Vietnam 2024

01/10/2024
Trong hai ngày 30/9 và 01/10/2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 – Techconnect and Innovation Vietnam 2024” với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo – Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững". Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm KHCNVN) với vai trò là đầu tàu nghiên cứu khoa học của cả nước, đã đem tới sự kiện những công nghệ nổi bật, đặc sắc. Gian trưng bày của Viện vinh dự đón đoàn đại biểu dẫn đầu là Ông Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) đến tham quan và thu hút hàng trăm lượt khách ghé thăm không gian triển lãm của Viện Hàn lâm KHCNVN.

Techconnect and Innovation Vietnam 2024 là sự kiện quan trọng chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024) và 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024). Sự kiện thu hút 2.500 đến 3.000 người tham dự trực tiếp và 7.000 đến 10.000 người tham dự trực tuyến, cùng 200 gian hàng trưng bày và nhiều hoạt động khác nhau. Đây là dịp để các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trình diễn, giới thiệu các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được ứng dụng, chuyển giao, làm chủ. Đồng thời là diễn đàn để trao đổi thảo luận về việc hoàn thiện, thực thi hiệu quả các giải pháp, chính sách mới trong việc kết nối cung - cầu công nghệ, từ đó thúc đẩy ứng dụng, đổi mới, chuyển giao và đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường KHCN.

Viện Hàn lâm KHCNVN tham gia sự kiện Techconnect and Innovation Vietnam 2024 với nhiều công nghệ mới thể hiện hoạt động tích cực của Viện Hàn lâm trong giới khoa học nói riêng và trong sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam nói chung. Tiêu biểu có thể kể đến: Mô hình kinh tế tuần hoàn từ chất thải (Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường); Máy phân tích phổ micro raman xách tay chuyên dụng, Thiết bị đo bụi mịn PM2.5 và PM10 (Viện Vật lý); Hệ thống thông tin, định vị và giám sát tàu cá, Hệ thống giám sát nhiệt độ, hành vi và cảnh báo bất thường về sức khỏe của lợn theo thời gian thực (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao); Lõi lọc asen và kim loại nặng NANOVAST, Vật liệu xúc tác hấp phụ asen NC-F20, Vật liệu hấp phụ asen hiệu năng cao NC-F20 (Viện Hóa học); Nền tảng quản lý và chia sẻ dữ liệu nghiên cứu khoa học và công nghệ dùng chung, GPTViet - Mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở cho Tiếng Việt, Phòng họp không giấy (Viện Công nghệ thông tin); Hệ sơn phản xạ nhiệt mặt trời (Extra-SHR, Lớp mạ kẽm thụ động Cr(III) trên chi tiết cơ khí, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy (Viện Kỹ thuật nhiệt đới); Sơn chống cháy, Thiết bị dược trị liệu (Viện Khoa học vật liệu); Chế phẩm xử lý đất và nước nhiễm dầu BIODEGRADER, Chế phẩm sinh học PNSB-IBT dạng lỏng sệt, Thức ăn từ thảo dược cho các loài tôm, cá, nhuyễn thể Algae Feed-TOMCANT, công nghệ nuôi cấp mô lan kim tuyến (Viện Công nghệ sinh học); các kết quả từ đề tài nghiên cứu khoa học tạo ra các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như xương khớp, dạ dày, gan, tiểu đường, mỡ máu, canxi của Viện Hóa học, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên và Viện Hóa sinh biển.

GS.TS. Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng với các đại diện đơn vị tham gia triển lãm

 

 

Hình ảnh một số công nghệ trưng bày tại gian hàng

Đến với Techconnect and Innovation Vietnam 2024, Viện Hàn lâm KHCNVNđem đến các nghiên cứu của nhà khoa học Việt và dành cho người Việt. Nhiều công nghệ gây ấn tượng mạnh với khách tham quan và được nhiều doanh nghiệp, địa phương quan tâm tìm hiểu, có thể kể đến như Mô hình kinh tế tuần hoàn từ chất thải của Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và  Môi trường. Đây là sản phẩm công nghệ của đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ khí sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau khi lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ phát triển nông nghiệp sạch tại Đắk Lắk”, mã số: TN18/C07, thời gian thực hiện: 2018 - 2020  thuộc Chương trình KH&CN cấp Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020: “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế”, mã số: KHCN-TN/16-20 (Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020). Đề tài do PGS.TS. Đỗ Văn Mạnh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, Viện Hàn lâm KHCNVN làm chủ nhiệm đề tài. Mô hình đề cập đến những công nghệ quản lý và xử lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn và tạo ra các sản phẩm có giá trị từ chất thải. Kết quả nghiên cứu thu được đáp ứng được các tiêu chí về xanh hoá trong sản xuất, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và phát triển bền vững, thực hiện một cách cụ thể cam kết NET ZERO vào năm 2050 được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại COP26.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tham quan gian hàng và nghe giới thiệu về các sản phẩm, công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Một công nghệ khác của Viện Hàn lâm cũng rất được chú ý là Sơn chống cháy sử dụng phụ gia biến tính của Viện Khoa học vật liệu. Việc phát triển thành công hệ sản phẩm phụ gia cho sơn chống cháy mới, đã giúp cho đối tác doanh nghiệp sơn chống cháy của Viện Khoa học vật liệu được cơ quan chức năng cấp giấy kiểm định cho sản phẩm, qua đó hàng nghìn dự án xây dựng công trình, nhà xưởng kết cấu thép trong nước đủ điều kiện nghiệm thu phòng cháy để đi vào hoạt động. Kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Viện Khoa học vật liệu với doanh nghiệp sản xuất sơn chống cháy trong nước để đáp ứng các yêu cầu, quy định mới đã được Hiệp hội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đánh giá rất cao trong buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Sản phẩm phụ gia biến tính cho sơn chống cháy tiếp tục mang lại doanh thu lớn cho Viện Khoa học vật liệu. Điều này cũng khẳng định vai trò của các nhà khoa học trong việc phát triển các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, mang lại các sản phẩm có giá trị cho doanh nghiệp và xã hội trong thời kỳ mới.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ được khẳng định trong Nghị quyết 52: “Ưu tiên nguồn lực cho triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về các công nghệ ưu tiên, trọng tâm là: Công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh”, Viện Công nghệ thông tin đã mang đến Techconnect and Innovation 2024 những công nghệ chọn lọc và đã ứng dụng, đem lại hiệu quả, được khách hàng, doanh nghiệp, địa phương đón nhận và tin tưởng, như Nền tảng quản lý và chia sẻ dữ liệu nghiên cứu khoa học và công nghệ dùng chung (OPENSIENCE.VN); GPTViet – Mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở cho tiếng Việt GPTViet là mô hình ngôn ngữ lớn (Large LanguageModel - LLM) mang tính nền tảng, tuân theo nguyên tắc nguồn mở cho cộng đồng AI tại Việt Nam. Hiện nay, GPTViet tập trung cho ngôn ngữ tiếng Việt. Tuy nhiên, nền tảng này định hướng cho hệ sinh thái đa diện, đa phương thức tích hợp với LLM (multimodal – âm thanh, hình ảnh, video, văn bản). Tận dụng các mô hình ngôn ngữ lớn LLM nguồn mở hàng đầu thế giới như Meta Llama 3.x, Mistral AI và ứng dụng vào hoàn cảnh Việt Nam. Toàn bộ việc huấn luyện, tinh chỉnh cho tiếng Việt được thực hiện trên hạ tầng siêu tính toán (AI Cluster) hàng đầu Việt Nam, với các siêu chip Nvidia GPU A100 80GB tiên tiến nhất Việt Nam từ 2022 tới nay. Hay Phòng họp không giấy là phần mềm thực hiện các cuộc họp trên nền tảng số, hỗ trợ các tính năng: họp nhiều nội dung, họp trực tuyến, quản lý lịch họp và các tài liệu cuộc họp…; tích hợp các công nghệ nhận dạng giọng nói, mã hoá đầu cuối (End-to-End Encryption), tìm kiếm toàn văn… giúp tiết kiệm thời gian, chi phí khi không sử dụng giấy tờ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan đơn vị Nhà nước.

GPTViet - Website chính thức: https://gptviet.ioit.ac.vn

Bên cạnh các công nghệ nêu trên, Viện Hàn lâm KHCNVN còn triển lãm một số công nghệ mới khác, mang đậm tính sáng tạo và đổi mới trong tư duy, trong cách nghĩ, cách làm. Khách tham quan có thể ghé không gian Triển lãm của Viện Hàn lâm trong 02 ngày từ 30/09 đến 1/10/2024 và trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học để có thêm sự hiểu biết sâu hơn về nội dung, bản chất cũng như khả năng ứng dụng của công nghệ.

Các cơ quan truyền thông phỏng vấn về công nghệ và định hướng phát triển các nghiên cứu ứng dụng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. PGS.TS. Phan Tiến Dũng - Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ trả lời phỏng vấn Truyền hình VTV, Nhân dân và nhiều trang tin khác. 

Điểm nhấn của Viện Hàn lâm KHCNVN khi tham gia Techconnect and Innovation 2024 là giới thiệu và quảng bá Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025. Viện Hàn lâm KHCNVN bắt đầu thu nhận hồ sơ đề cử/tham gia Giải thưởng từ ngày 1/10/2024 cho đến hết ngày 31/12/2024 (tính theo dấu bưu điện trên hồ sơ gửi). Với sứ mệnh tôn vinh những công trình nghiên cứu xuất sắc, được triển khai sâu rộng và đem lại giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại các địa phương, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa tiếp tục tìm kiếm những công trình khoa học tự nhiên và công nghệ, các tác giả công trình là người trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó, để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. 

Các Sở, Ban, ngành địa phương và nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến Giải thưởng Trần Đại Nghĩa của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Đến với sự kiện Techconnect & Innovation 2024, hàng trăm lượt khách tham quan đã ghé thăm không gian triển lãm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một mặt tìm kiếm đối tác hợp tác khoa học công nghệ, một mặt giới thiệu và ứng cử những công trình có triển vọng, phù hợp với tiêu chí Giải thưởng Trần Đại Nghĩa. Thông qua sự kiện này, Viện Hàn lâm không chỉ khẳng định vị thế đầu tầu trong nghiên cứu khoa học cơ bản, mà còn nêu bật được vai trò tiên phong, minh chứng bằng những công nghệ mang tính đổi mới, sáng tạo, là nguồn cảm hứng và lan tỏa thông điệp: Khoa học phụng sự con người, đúng với chủ đề của sự kiện “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Tin: Phạm Phượng - Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ
Ảnh và xử lý: Mai Lan

 



Tags:
Tin liên quan