Viện Hàn lâm KHCNVN tham gia Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững số 14

06/07/2022
Từ ngày 27/6-1/7/2022, “Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về hỗ trợ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thứ 14 (SDG 14) về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển” (UNOC) với chủ đề “Nhân rộng các hành động đại dương dựa trên khoa học và đổi mới nhằm thực hiện SDG 14: kinh nghiệm, đối tác và giải pháp” đã diễn ra tại Lisbon, Bồ Đào Nha với sự tham gia của hàng trăm nhà lãnh đạo cấp cao của các nước, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác. UNOC là một trong những hội nghị cấp cao quan trọng của LHQ về phát triển liên quan đến biển và đại dương, nhằm kiểm điểm và đánh giá quá trình 5 năm thực hiện SDG 14 kể từ Hội nghị UNOC lần thứ nhất năm 2017 và xác định các biện pháp và chương trình hành động cụ thể tiếp theo để đạt được các mục tiêu của SDG 14.

Chương trình Hội nghị gồm các phiên toàn thể và các phiên thảo luận chuyên đề thảo luận  diễn ra song song với 08 chủ đề gồm: (i) Khắc phục ô nhiễm môi trường biển; (ii) Thúc đẩy và tăng cường kinh tế biển bền vững, đặc biệt đối với các nước đảo nhỏ đang phát triển và kém phát triển; (iii) quản lý, bảo vệ, bảo tồn, và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển; (iv) giảm thiểu và khắc phục tình trạng axit hóa đại dương, suy giảm ô-xi trong nước biển và tình trạng nóng lên của đại dương; (v) bảo đảm nghề cá bền vững và tiếp cận của các ngư dân đánh bắt thủ công quy mô nhỏ với các thị trường và nguồn tài nguyên biển; (vi) tăng cường tri thức khoa học, năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; (vii) tăng cường bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và tài nguyên thông qua thực thi pháp luật quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Nhiều sự kiện đặc biệt và sự kiện bên lề khác cũng diễn ra sôi nổi xung quanh Hội nghị.

Tại Hội nghị, các bên khẳng định đại dương có vai trò quan trọng đối với hoà bình và an ninh, sức khỏe, môi trường và phát triển bền vững, sự thịnh vượng của các quốc gia. Ba thách thức chính các đại dương đang phải đối mặt hiện nay bao gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm biển. Đây là những thách thức xuyên biên giới và không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được. Đại dịch COVID-19 càng làm trầm trọng thêm các thách thức này. Các bên nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học biển, và xây dựng nền kinh tế xanh bền vững để giảm thiểu, giải quyết các thách thức này. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề xuất bốn kiến nghị giúp khắc phục tình trạng khẩn cấp của đại dương hiện nay bao gồm đầu tư vào kinh tế bền vững; sử dụng đại dương là mô hình quản lý các vấn đề toàn cầu; bảo vệ đại dương và những người sống phụ thuộc vào đại dương; và đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm để bảo vệ các cộng đồng ven biển. Các nước đưa nhiều cam kết tự nguyện để thực hiện mục tiêu SDG 14.

PGS. TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch IOC Việt Nam đã đại diện cho Việt Nam phát biểu tại Phiên thảo luận chuyên đề về “Giảm thiểu và khắc phục tình trạng axit hóa đại dương, suy giảm oxy và ấm lên của đại dương”

Cùng với phái đoàn của Bộ Ngoại giao Việt Nam do Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu làm trưởng đoàn; PGS. TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch IOC Việt Nam đã đại diện cho Việt Nam phát biểu tại Phiên thảo luận chuyên đề về “Giảm thiểu và khắc phục tình trạng axit hóa đại dương, suy giảm oxy và ấm lên của đại dương”.  Trước dự báo sự suy giảm rạn san hô tại Biển Đông (suy giảm 50% vào năm 2050 và 25% vào năm 2100); PGS. TS nhấn mạnh, Việt Nam nhận thức rất rõ về mối nguy cơ đối với hệ sinh thái và môi trường biển từ tình trạng axit hóa đại dương và ven biển và những thách thức trong hướng nghiên cứu này tại Việt Nam. PGS. TS. Đào Việt Hà đã nêu bật những cố gắng của Việt Nam trong việc tiếp cận, thử nghiệm phương pháp nghiên cứu; các kết quả nghiên cứu đánh giá hiện trạng a xít hóa đại dương tại một số vùng biển ven bờ Việt Nam và tính thích ứng của một số hệ sinh thái biển nhạy cảm (rạn san hô…) đối với tình trạng a xít hóa đại dương hiện nay. Mặt khác, những đề xuất cải thiện, hiệu chỉnh phương pháp và cách tiếp cận đã được đúc kết từ kinh nghiệm, bài học thực tiễn khi ứng dụng phương pháp chuẩn của thế giới tại điều kiện Việt Nam. Trong bài phát biểu của mình, PGS. TS. Đào Việt Hà đã báo cáo về sáng kiến mới của Việt Nam về “Cứu rạn san hô của chúng ta-chương trình đa phương trong nghiên cứu tính thức ứng của rạn san hô” trong khuôn khổ hành động của IOC/WESTPAC đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững SGD 14.

Đoàn Việt Nam tại Phiên họp, từ phải qua: Ông Đặng Hoàng Giang, Đại sứ Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, PGS. TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm KHCNVN, Chủ tịch IOC Việt Nam, Bà Nguyễn Tường Vân, CV BNG

Tại Phiên toàn thể của Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu phát biểu bày tỏ quan ngại về các thách thức đại dương đang phải đối mặt, khẳng định việc thực thi đầy đủ và hiệu quả UNCLOS, khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển, là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu SDG 14. Tại Biển Đông, các nước cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả UNCLOS và DOC. Thứ trưởng khẳng định chiến lược biển của Việt Nam hướng tới xây dựng nền kinh tế biển xanh bền vững.  Việt Nam ủng hộ đàm phán xây dựng thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương và nhấn mạnh biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng là đe doạ toàn cầu và các nước cần hợp tác với nhau để giải quyết. Bên cạnh thông tin về những nỗ lực của Việt Nam nhằm ứng phó với các thách thức trên trong suốt thời gian qua, Thứ trưởng kêu gọi hợp tác quốc tế, các nước phát triển cần hỗ trợ cho các nước đang phát triển xây dựng năng lực, tài chính và chuyển giao công nghệ. Quan điểm này được nhiều nước tại Hội nghị chia sẻ. Cũng tại Hội nghị này, Việt Nam tiếp tục đưa ra cam kết tự nguyện “Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương” tiếp nối thành công của thực hiện cam kết “Phát triển và nhân rộng các khu vực được quản lý bởi cộng đồng/doanh nghiệp địa phương nhằm phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ” Việt Nam đưa ra tại Hội nghị UNOC lần thứ nhất năm 2017. Các hoạt động của sáng kết đã góp phần làm tăng diện tích khu vực bảo vệ, giảm đánh bắt bất hợp pháp trong các khu bảo tồn, khuyến khích khối tham gia tư nhân trong quản lý và sử dụng nguồn lợi biển góp phần thực hiện mục tiêu quản lý, sử dụng bền vững, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái vùng biển ven bờ của SDG 14. Tại Phiên thảo luận chuyên đề về “Tăng cường bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và tài nguyên thông qua thực thi luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Luật biển”, Đại sứ Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS trong việc thực hiện SDG 14.

Trân trọng quý vị đón xem video tại đường link: https://youtu.be/s_j-qXdVucw

Xử lý tin: Phương Hà



Tags:
Tin liên quan