Thúc đẩy hợp tác với đối tác Pháp về công nghệ năng lượng và môi trường
Hội đàm song phương
Tại hội đàm, VAST và CEA đã cùng chia sẻ về một số hoạt động hợp tác đang triển khai Đại học Việt - Pháp (USTH) - VAST và các đơn vị trực thuộc CEA như Phòng thí nghiệm về hóa học và sinh học CEA (Laboratory for Chemistry and Biology of Metal UMR 5249 CEA); Viện nghiên cứu đa ngành Grenoble CEA (Interdisciplinary Research Institute of Grenoble CEA-IRIG) liên quan đến năng lượng hydro, năng lượng điện tái tạo,… CEA được thành lập vào năm 1945, là một trong những cơ quan hàng đầu của Pháp về nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, năng lượng tái tạo, quốc phòng, công nghệ thông tin và y tế, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Tổng thống Pháp. Với hơn 21.000 nhân viên và ngân sách nghiên cứu hàng năm lên tới 5,8 tỷ Euro, CEA đã và đang là trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới về các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là năng lượng và khoa học vật liệu. CEA cũng triển khai đào tạo chất lượng cao theo hai hình thức đào tạo nâng cao (đào tạo sau đại học) và đào tạo liên tục (đào tạo chuyên sâu, nâng cao tay nghề). Trên cơ sở năng lực và mong muốn hai bên, VAST và CEA đã thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực môi trường, năng lượng tái tạo và tái chế vật liệu năng lượng đã qua sử dụng. CEA với kinh nghiệm dày dặn trong phát triển các công nghệ xanh, cam kết hỗ trợ VAST trong việc chuyển giao công nghệ và đào tạo các nhà khoa học trẻ của Việt Nam. Hai bên cũng đề cập đến hợp tác trong khoa học vật liệu và công nghệ nano, với trọng tâm là các ứng dụng của vật liệu bán dẫn, một lĩnh vực mà CEA có nhiều thế mạnh thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với ST Microelectronics tại Grenoble. Ngoài ra, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy các chương trình đào tạo chung, trong đó các nhà khoa học từ cả VAST và CEA sẽ cùng hướng dẫn luận án tiến sĩ theo hình thức đồng hướng dẫn, song bằng. Những nội dung thảo luận này sẽ được tổng hợp thể hiện trong Thỏa thuận hợp tác mà hai bên thống nhất sẽ cùng nhau hoàn thiện và ký kết trong thời gian sớm nhất.
Chụp hình lưu niệm
Đặc biệt, hai bên hy vọng hợp tác trong thời gian tới sẽ thực hiện hiệu quả với vai trò kết nối và thúc đẩy quan trọng của GS. Trần Quốc Tuấn – nhà khoa học Việt kiều Pháp, giáo sư Việt kiều cao cấp duy nhất tại CEA và hiện là thành viên Hội đồng nội trị USTH; đồng thời là Giáo sư mời của USTH trong nhiều hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tại trường thời gian qua cũng như một số cán bộ, sinh viên Việt Nam thực tập và làm việc tại CEA. Đây cũng là sự kết nối giữa trí thức Việt Nam tại Pháp với VAST nói riêng và với Việt Nam nói chung, góp phần phát huy vai trò cầu nối của trí thức Việt Nam trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong Cộng đồng Pháp ngữ, đem những thành tựu khoa học của thế giới về đất nước và đưa sản phẩm Việt Nam ra quốc tế như mong muốn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã chia sẻ trong buổi gặp gỡ trí thức người Việt tiêu biểu trong cộng đồng Pháp ngữ ngày 5/10/2024 vừa qua.
GS. Trần Quốc Tuấn (ngoài cùng bên trái) tham gia đoàn CEA hội đàm với VAST
GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST tham dự buổi gặp gỡ trí thức Việt kiều tiêu biểu trong cộng đồng Pháp ngữ. Nguồn: TTXVN
Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế là một trọng những giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn 2045. VAST hiện đang tìm kiếm những đối tác quốc tế có chung tầm nhìn, sẵn sàng hợp tác và chia sẻ công nghệ, cùng đóng góp vào sự phát triển bền vững của khoa học và công nghệ tại Việt Nam và khu vực. Những cuộc gặp gỡ với các đối tác tại Ireland và Pháp; những trao đổi, kết nối cùng các nhà khoa học, trí thức Việt Nam tại đây đã mở ra nhiều cơ hội mới, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong chiến lược phát triển và hợp tác của VAST trên trường quốc tế.
Thông tin về CEA CEA chia thành nhiều viện nghiên cứu chính gồm Viện hạt nhân khoa học và kỹ thuật quốc gia (INSTN); Viện Năng lượng Hạt nhân (DEN); Viện Khoa học Vật liệu (DSM); Viện Năng lượng Tái tạo (LITEN): Tập trung vào năng lượng tái tạo; Viện Công nghệ Vi điện tử và Nano (LETI). CEA hợp tác quốc tế rộng rãi, bao gồm các dự án như ITER và hợp tác với các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Nga. Sự hợp tác này hỗ trợ phát triển các giải pháp năng lượng bền vững và củng cố vị thế khoa học của Pháp. |
Nguồn tin: TS. Lê Quỳnh Liên - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế
Xử lý tin: Mai Lan