Nghiên cứu mới về lịch sử tiến hóa châu thổ sông Mã

28/07/2024
Trong nghiên cứu gần đây của TS. Vũ Văn Hà và cộng sự Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã làm sáng tỏ đặc điểm tướng trầm tích, xác lập các giai đoạn tiến hóa trong lịch sử hình thành, phát triển châu thổ sông Mã giai đoạn Holocen (tương ứng với thời gian từ 1170 năm trở lại đây). Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học để nhận diện, nghiên cứu các dạng thiên tai và định hướng khai thác bền vững nguồn tài nguyên đồng bằng châu thổ sông Mã phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực nghiên cứu.

Đồng bằng châu thổ sông Mã

Đồng bằng châu thổ sông Mã là đồng bằng lớn nhất miền Trung có diện tích khoảng 2.600 km2, được bồi đắp chủ yếu từ nguồn phù sa của các hệ thống sông Mã, sông Yên, sông Hoạt tạo nên nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Đây cũng là trung tâm kinh tế chính trị có vai trò quan trọng của tỉnh Thanh Hóa, nơi có cơ sở hạ tầng phát triển, hoạt động kinh tế diễn ra sôi động đặc biệt là ngành kinh tế biển, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động du lịch ở dải ven biển dài hơn 102 km. Những yếu tố về điều kiện tự nhiên của vùng đồng bằng châu thổ sông Mã tạo nên vùng đất trù phú, giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên vị thế.

Để khai thác hiệu quả và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội cần xác định rõ đặc điểm địa chất, quy luật hình thành và phát triển châu thổ sông Mã. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu Viện Địa chất đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm tướng trầm tích và lịch sử tiến hóa châu thổ sông Mã giai đoạn Holocen” (mã số: KHCBTĐ.02/20-22).

Kết quả nghiên cứu

Trong khuôn khổ nghiên cứu, các tác giả đã xác định được 23 tướng trầm tích Holocen trên đồng bằng châu thổ sông Mã, thuộc 4 nhóm tướng là nhóm tướng lấp đầy thung lũng cắt xẻ, nhóm tướng estuary - vũng vịnh, nhóm tướng châu thổ và nhóm tướng aluvi đặc trưng cho 4 giai đoạn phát triển của châu thổ gồm:

Giai đoạn bồi lấp thung lũng cắt xẻ diễn ra vào cuối Pleistocen muộn phần muộn - giữa Holocen sớm (khoảng thời gian từ 13.000 đến 9.500 năm trước ngày nay) khi biển tiến vào khu vực châu thổ sông Mã, ở thung lũng cắt xẻ Đệ tứ muộn mực xâm thực cơ sở được nâng cao dần do hiện tượng dâng của mực nước biển, đồng thời xảy ra chế độ bồi lấp thung lũng cắt xẻ.

Giai đoạn estuary - vũng vịnh diễn ra vào giữa Holocen sớm - đầu Holocen giữa (khoảng thời gian từ 9.500 đến 8.500 năm trước) khi mực nước biển tiến sâu vào vùng nghiên cứu, hình thành vũng vịnh gồm các thành tạo trầm tích: Sét bột bãi triều vũng vịnh, cồn cát triều, sét, bột bãi triều, sét bột vũng vịnh.

Giai đoạn châu thổ diễn ra đầu Holocen giữa - Holocen muộn khi tốc độ tích tụ trầm tích lớn hơn tốc độ tạo không gian tích tụ của bồn trầm tích, châu thổ bắt đầu hình thành và phát triển. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và lân cận cho rằng, thời gian bắt đầu hình thành châu thổ vào khoảng 7.000 - 6.000 năm Bp (trước ngày nay). Tại thời điểm 6.000 năm Bp mực nước biển dâng cực đại và chuyển sang chế độ biển lùi, tốc độ bồi tụ lớn, châu thổ phát triển mạnh ra phía biển.

Giai đoạn aluvi đường bờ vẫn phát triển ra phía biển, các hoạt động của biển không còn ảnh hưởng tới bề mặt đồng bằng châu thổ. Lúc này, hoạt động xâm thực ngang của các sông làm thay đổi bề mặt của đồng bằng châu thổ hình thành trước đó. Do bề mặt địa hình đồng bằng châu thổ khá bằng phẳng, độ dốc địa hình là không đáng kể nên một phần vật liệu do các sông vận chuyển sẽ được lắng đọng ngay trên bề mặt của châu thổ.


Ảnh hóa thạch tảo Diatome khu vực châu thổ sông Mã

“Vùng đồng bằng châu thổ sông Mã là một phần của châu thổ, phần còn lại là châu thổ ngầm nằm ở vùng biển từ độ sâu 0m nước đến khoảng -15m nước. Nghiên cứu của chúng tôi đã làm rõ được lịch sử hình thành và tiến hóa châu thổ sông Mã giai đoạn Holocen (khoảng 11.700 năm trở lại đây) và mối liên quan đến dao động mực nước biển trong quá trình hình thành châu thổ. Đây là cơ sở khoa học để nhận diện và nghiên cứu các dạng thiên tai như xói lở bờ sông, bờ biển và nguy cơ ngập lụt do nước biển dâng, hoạt động xâm nhập mặn, sụt lún công trình… Kết quả này cũng là tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho việc định hướng quy hoạch, bảo vệ, khai thác bền vững các nguồn tài vùng đồng bằng châu thổ Sông Mã và ven biển Thanh Hóa. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu cấu trúc phần châu thổ ngầm và điều kiện môi trường trầm tích làm cơ sở khoa học cho việc tìm kiếm nguồn tài nguyên khoáng sản biển, phòng chống thiên tai, phát triển bền vững đới bờ”, chia sẻ của TS. Vũ Văn Hà.


Công tác khoan lấy mẫu trầm tích
     
Sơ đồ tướng đá - cổ địa lý thời kỳ cuối Holocen sớm - đầu Holocen giữa    Sơ đồ tướng đá - cổ địa lý thời kỳ cuối Holocen giữa - đầu Holocen muộn
 
Mặt cắt tiến hóa châu thổ sông Mã

Nguồn tin: Chu Thị Ngân – Trung tâm Thông tin – Tư liệu
Xử lý tin: Minh Tâm

 



Tags:
Tin liên quan