Nghiên cứu các chất bổ sung vào thực phẩm từ thực vật ứng dụng trong y học và thể thao
Hepofood
Thành phần chủ yếu của Hepofood gồm sylimarin và amino acid đậu tương. Sylimarin thu nhận được từ hạt cúc gai với nhiều đặc tính sinh học quý giá đã được chứng minh như bảo vệ gan, thần kinh, da, phòng và chữa các vấn đề dạ dày- ruột, thận, tim phổi, phòng ngừa ung thư, chất bổ trợ trong liệu pháp chữa ung thư… Quy trình tách chiết sylimarin từ hạt cúc gai được tiến hành ở quy mô pilot với một số thay đổi nhằm giảm giá thành sản phẩm như dùng xăng công nghiệp để loại dầu béo thay cho ether dầu và loại dầu béo từ sylimarin thô.
Imunofood
β-glucan thuộc nhóm các hợp chất có hoạt tính sinh học, có khả năng kích thích hệ miễn dịch, ức chế tế bào ung thư và chống oxy hóa, vì vậy được sử dụng trong y dược và mỹ phẩm. Thành phần chủ yếu của Imunofood là β-glucan từ thành tế bào nấm men Saccharomyces cerevisiae. Quy trình công nghệ tách chiết β-glucan từ thành tế bào nấm men đã được Liên hiệp KHSX CNSH và Môi trường nghiên cứu và hoàn thiện thông qua Đề tài KC05-04 và Dự án sản xuất thử nghiệm KC04-DA04, đã đưa ra được hai loại sản phẩm. Đó là Imunofood - thực phẩm chức năng cho người và Neo-Polynut - thực phẩm bổ sung cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có tác dụng kháng bệnh cho động vật nuôi. Chế phẩm đã được thử nghiệm trên mô hình chuột và đã chứng minh được khả năng phục hồi miễn dịch của chuột thiếu hụt miễn dịch thực nghiệm bằng chiếu xạ.
Biogame
Biogame là một loại siro tăng lực từ amino acid đậu tương. Protein hydrolysates đậu tương có hoạt tính chống oxy hóa và được sử dụng trong dinh dưỡng thể thao và kiểm soát trọng lượng, trong chế độ ăn uống đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc một số bệnh như pancreatitis, short bowel syndrome, bệnh Crohn’s và dị ứng thực phẩm. Dựa trên quy trình của Viện Hóa hữu cơ, Viện HLKH Bulgaria, Viện CNSH đã tiến hành thủy phân bột đậu tương của Việt Nam, thu nhận protein hydrolysate để sản xuất chế phẩm này. Với việc dùng thử cho các vận động viên tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh cho thấy chế phẩm giúp vận động viên có phản xạ tốt trong tập luyện thể thao, tăng cường hoạt động chức năng và cơ bắp, tăng cường phục hồi thể lực của vận động viên, không gây phản ứng phụ.
Các chế phẩm trên đã được đánh giá độ an toàn trên mô hình chuột và không tìm được liều gây chết 50%, đồng thời đã được Viện Kiểm nghiệm, Bộ Y tế đánh giá thành phần chất lượng, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và cho phép sản xuất, lưu hành. Đây là một trong các kết quả bước đầu góp phần hiện thực hóa tiềm năng phát triển rất lớn của ngành công nghiệp TPCN ở Việt Nam trên cơ sở rất nhiều loại thực vật quý hiếm với những đặc tính quý báu cho sức khỏe và chữa bệnh.
Nguồn: PGS.TS Nguyễn Kim Cúc
Viện Công nghệ sinh học
Xử lý tin: Bích Diệp