Kết quả bất ngờ khi nghiên cứu về vùng sống được

25/12/2013
Trong thiên văn học và sinh - thiên văn học, vùng sống được (Goldilocks zone hay Habitable zone) là vùng không gian xung quanh một ngôi sao mà các hành tinh trong đó có áp suất khí quyển vừa đủ để có thể tạo được nước lỏng trên bề mặt và sự sống có thể phát triển trên những hành tinh này. Trong hệ mặt trời của chúng ta, Trái đất và sao Kim dù không khác nhau nhiều về kích thước nhưng có lịch sử khí hậu rất khác nhau. Theo các nhà khoa học, khoảng cách từ Trái đất đến mặt Trời là vừa đủ để không quá nóng như sao Kim nhưng cũng không quá lạnh như sao Hỏa. Trái đất của chúng ta may mắn nằm trong vùng sống được, còn tất cả các hành tinh khác trong hệ mặt trời thì không có được may mắn đó.

vungsong1
Trái đất là hành tinh duy nhất trong hệ mặt trời nằm trong vùng sống được

Những nghiên cứu trước đây về vùng sống được quanh các ngôi sao giống mặt trời đã đưa ra giới hạn trong là 0,99 AU (AU: đơn vị thiên văn, là khoảng cách trung bình từ Trái đất đến mặt Trời, khoảng 93 triệu dặm, hoặc 150 triệu km). Tuy nhiên trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature tháng 12: Jérémy Leconte, et al., Nature, 504, pp. 268–271 (2013), giới hạn đó tiến gần hơn tới ngôi sao mẹ, giảm xuống chỉ còn 0,95 AU (khoảng 88 triệu dặm, hoặc 142 triệu km). Trong công trình nghiên cứu này, Jérémy Leconte đã đưa ra kết quả mới liên quan đến sự nóng toàn cầu do hiệu ứng nhà kính xảy ra trên trái đất. Nếu như trước đây người ta tin giới hạn trong của vùng sống được là 0.99 AU và hệ quả là trái đất sẽ mất hết nước ở các đại dương sau 150 triệu năm, thì nay với ước tính mới của cận trong 0,95 AU thời gian này sẽ kéo dài tới 1 tỷ năm, tăng lên gấp nhiều lần.

vungsong2
Sự tăng nhiệt độ của trái đât theo thời gian

Mặt Trời là nguyên nhân gây ra sự bốc hơi của các đại dương trên Trái đất do hiệu ứng nhà kính. Một khi mặt Trời nóng hơn sẽ làm nóng Trái đất và tăng nguy cơ tạo ra hiệu ứng nhà kính tự nhiên - một vòng luẩn quẩn mà cuối cùng làm bốc hơi hết nước đại dương. Nhưng kịch bản đó còn rất xa, và sự thực giờ đây nó còn có thể xa hơn nhiều những gì đã nghĩ. Nước của các đại dương trên trái đất chỉ bốc hơi hết sau 1 tỷ năm nữa.

Kết quả mới có được là do Jérémy Leconte và cộng sự đã sử dụng mô hình 3D, có tính đến những nhân tố gây ảnh hưởng như đám mây và sự lưu thông khí quyển, thay vì mô hình nghiên cứu một chiều trước đây. Kết quả nghiên cứu mới của nhóm Jérémy Leconte sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn cái gì quyết định một hành tinh xa lạ có thể có sự sống. Chúng ta bây giờ đã có một mô hình nghiên cứu các đối tượng hành tinh không phải ở dạng điểm mà là các hành tinh thực sự có bề mặt, có bầu khí quyển, có xảy ra các quá trình phức tạp như hình đám mây trên Trái đất.

(Theo Tạp chí Nature)
Dịch: Trần Lan Anh – Trung tâm Thông tin Tư liệu



Tags:
Tin liên quan