Hội thảo quốc tế “Các Tỉnh Thạch học lớn Châu Á: Plume Manti và Sinh khoáng, Hà Nội 2013 (Large Igneous Provinces of Asia: Mantle Plume and Metallogeny, Hanoi 2013)

09/12/2013
Từ ngày 7-9/11/2013 tại Hà Nội, Viện Địa Chất, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã chủ trì Hội thảo quốc tế về “Các Tỉnh Thạch học lớn Châu Á: Plume Manti và Sinh khoáng (Large Igneous Provinces of Asia: Mantle Plumes and Metallogeny - LIPs)”. Đây là một trong những chủ đề chuyên ngành lớn được nhiều nhà nghiên cứu địa chất trên thế giới quan tâm. Hội thảo quốc tế về chủ đề này được tổ chức thường kỳ hai năm một lần (LIPs 2007-2009-2011 tại CHLB Nga với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Úc, Canada, Hoa Kỳ). Đây là lần đầu tiên hội thảo được tổ chức tại Việt Nam, là cơ hội để các nhà khoa học nước nhà giao lưu, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi các nhà khoa học thế giới.

Hội thảo do Viện Địa chất tổ chức lần này có sự hỗ trợ tích cực của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), Viện HLKHCNVN, Viện Địa chất và Liên doanh Nikel Bản Phúc (Ban Phuc Nickel Mines). Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được sự giúp đỡ từ International Association on the Genesis of Ore Deposits và sự hợp tác tổ chức của Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, và nhiều cơ quan khác.

Đến dự có 46 khách quốc tế đến từ các nước và vùng lãnh thổ (thứ tự từ nhiều đến ít) CHLB Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Canada, Úc, Đức, Đan Mạch và Ấn Độ. Về phía Việt Nam (nước chủ nhà) có các nhà khoa học từ Viện Địa chất (Viện HLKHCNVN), Trường ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội), ĐH Mỏ-Địa chất, Hội Khoáng Thạch học Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT), Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Công ty Nikel Bản Phúc,…

hoi thao

Tại Hội thảo các nhà khoa học đã trình bày 43 công trình (trong đó Việt Nam có 15 công trình) đóng góp từ hơn 130 tác giả và đồng tác giả, bao gồm các lĩnh vực thạch luận và địa hóa magma, kiến tạo mảng và kiến tạo plume, các biểu hiện hoạt động magma liên quan đến plume trong các cấu trúc khác nhau của lục địa châu Á. Đặc biệt thu hút nhiều người quan tâm hơn cả là các lĩnh vực liên quan đến khoáng sản kim loại quý như nhóm kim loại platin, đồng, vàng và nikel.

Các công trình quan trọng của ba vị khách mời: Giáo sư Pirajno F. (ĐH West Australia, Perth, Úc), Giáo sư Lenz D. (ĐH New Brunswick, Canada) và Viện sỹ VHLKH Nga M.I. Kuzmin đã tổng quát những cơ chế hình thành các vùng magma lớn cùng với sự tiến hóa của quả đất, mối tương quan của các hệ thống đứt gãy và động đất với việc hình thành các mỏ kim loại lớn.

Các nhà nghiên cứu Việt Nam trình bày một số thí dụ về những vùng magma trên lãnh thổ Việt Nam như hoạt động magma Permi và Kainozoi của các cấu trúc Sông Đà, Tú Lệ, Phan Si Pan và các mỏ kim loại liên quan; nghiên cứu đối sánh basalt Kainozoi của cao nguyên Bolaven (hạ Lào) với basalt Kainozoi các tỉnh Bắc Trung Bộ, Việt Nam; vấn đề nghiên cứu vị trí của Việt Nam trong Permi muộn trên cơ sở nghiên cứu cổ từ trong đá núi lửa Permi muộn TBVN… Các nhà khoa học CHLB Nga đưa đến hội nghị không chỉ những thí dụ ở Nga mà còn giới thiệu các vùng magma và khoáng sản tại Mông Cổ và các nước Trung Á. Các nhà khoa học Trung Quốc trình bày về các hoạt động magma của tỉnh thạch học lớn Emeishan cũng như vùng đồng bằng Trung Quốc. Đại diện của Ấn Độ giới thiệu về Trap Decan…

Bên cạnh các công trình tổng quát về các quá trình hình thành và phát triển magma, một số diễn giả đã báo cáo các kỹ thuật xác định tuổi tuyệt đối được áp dụng ngày càng nhiều trên các hạt tinh thể zircon do sự phát triển của nhiều hệ máy phân tích bằng khối phổ có độ chính xác cao. Điển hình là các công trình của Giáo sư Hansen thuộc Viện Địa chất, ĐH Goerg-August, CHLB Đức, TS Usuki T. và các cộng sự, công trình của TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Viện KH Địa chất và Khoáng sản.

Ban tổ chức và các đại biểu đánh giá cao chất lượng khoa học của các báo cáo được trình bày tại Hội thảo lần này và quyết định sẽ đăng tải dưới dạng các bài báo đầy đủ trong tạp chí chuyên ngành quốc tế.

tham quanTham quan đập thủy điện Sơn La trên Sông Đà

Sau khi kết thúc Hội nghị chính thức vào trưa ngày 09/11, đã có chương trình tham quan và khảo sát địa chất Hà Nội – Sơn La – Hà Nội, với 38 khách quốc tế tham gia. Đây là chuyến thực địa được thiết kế để các nhà địa chất quốc tế tìm hiểu về đặc điểm của hoạt động magma và sinh khoáng đới cấu trúc Sông Đà (và Sông Hồng), khảo sát và tiếp cận (lấy mẫu) loạt đá magma cao- và thấp- hàm lượng oxit titan (TiO2) có thành phần biến động, từ dacit (cao SiO2) cho đến peridotit (thấp SiO2) theo hai mặt cắt từ đèo Sơn La đến Pá Uôn và từ đèo Chẹn đến Bản Phúc (tỉnh Sơn La).

Các nhà địa chất được nghe chi tiết về thành phần thạch học và hóa học của các loại đá magma tại đây, các giả thuyết về sự hình thành và phát triển (phân dị magma) của chúng, cuối cùng là sự quan hệ giữa các đá magma tại khu vực với vùng magma rộng lớn thuộc vùng núi Nga Mi (Emeishan), phía Tây Nam Trung Quốc trong khuôn khổ tiến tạo khu vực liên quan đến quá trình va đẩy giữa mảng Ấn Độ với Âu Á từ 50-55 triệu năm trở lại đây. Chuyến khảo sát địa chất là một trải nghiệm thích thú đối với nhiều nhà địa chất quốc tế không chỉ về mặt khoa học mà còn là cơ hội tiếp xúc với con người và văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam.

khao sat1khao sat 2
Khảo sát điểm lộ các lớp komatiite và
basalt komatiite, khu vực Pa Uôn, Sơn La
Khảo sát điểm lộ komatiite peridotite và
komatiite pyroxenite, khu vực Pa Uôn, Sơn La


Cuối đợt khảo sát, đoàn khách quốc tế được tổ chức tham quan hồ và đập thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á và mỏ đồng – nikel Bản Phúc (Bắc Yên, Sơn La). Cả hai tuyến tham quan đã để lại cho khách quốc tế nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Hội thảo LIPs Châu Á lần thứ 5 (2015) dự kiến sẽ tổ chức tại Ấn Độ, nơi có Trap Decan nổi tiếng thế giới.

Tin: Nguyễn Hoàng, Trần Trọng Hòa
Ảnh: Nguyễn Việt Tiến
Viện Địa chất
Xử lý tin: Bích Diệp



Tags:
Tin liên quan