Hội thảo “Liên kết ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ phục vụ phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long” – cơ hội hợp tác và phát triển

25/10/2016
Ngày 17/10/2016 tại thành phố Cần Thơ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Dự án Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp - VIIP và Trung tâm Thương hiệu Việt tổ chức Hội thảo “Liên kết ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ phục vụ phát triển Đồng Bằng Sông Cửu Long”.

Tham dự Hội thảo có ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; GS.TSKH.Dương Ngọc Hải, nguyên Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS.Phan Tiến Dũng, TS.Vũ Thị Thu Lan - Phó Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ; Ông Nguyễn Hoa Cương - GĐ dự án VIIP; Nhà báo Phan Thị Mỹ Yến - Giám đốc Trung tâm Thương hiệu Việt.

Ngoài ra Hội thảo còn đón 170 đại biểu đại diện Lãnh đạo Sở KHCN, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp, Liên minh HTX, Hội nông dân thành phố Cần Thơ, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, TPHCM, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Vĩnh Long và đại diện lãnh đạo 9 Viện chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm như Viện Công nghệ sinh học, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Vật lý thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, Viện Công nghệ Hóa học, Viện Cơ học và Tin học ứng dụng, Viện địa lý tài nguyên thành phố Hồ Chí Minh và gần 60 Doanh nghiệp nông nghiệp và 20 cơ quan truyền thông đến đưa tin hội thảo.

cantho1

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo diễn ra tại trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm 47% diện tích trồng lúa, 56% sản lượng và 90% giá trị xuất khẩu lúa gạo cả nước; nơi chiếm 70% diện tích nuôi trồng, 40% sản lượng và 60% giá trị xuất khẩu thủy hải sản cả nước. Tuy nhiên, khu vực này đang chịu tác động nặng nề của xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, việc phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng thích hợp, hiện đại đang là vấn đề đang rất được quan tâm.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Đào Anh Dũng Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ hoan nghênh Viện Hàn lâm KHCNVN tổ chức Hội thảo Cần Thơ  và mong rằng Hội thảo sẽ được tổ chức thường xuyên, định kỳ để các doanh nghiệp và bà con nông dân có cơ hội tiếp cận và hợp tác, ứng dụng các thành tựu của Viện Hàn lâm vào phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

cantho2

GS Dương Ngọc Hải, nguyên Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN thay mặt ban tổ chức phát biểu khai mạc Hội thảo

cantho3

Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu chào mừng Hội thảo

Tại Hội thảo, Viện Hàn lâm đã giới thiệu các sản phẩm công nghệ về nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ tới các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm trao đổi tìm kiếm sự hợp tác, đặt hàng các sản phẩm KHCN để giải quyết những thách thức trong phát triển nông nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, đầu tư. Báo cáo của các nhà khoa học gắn liền với thực tế sản xuất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cũng đã được trình bày tại hội thảo:

  • “Sử dụng tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ” của bà Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ Sinh học;
  • “Phân bón hữu cơ sinh hoc Vinaxanh nâng tầm nông sản Việt trong hội nhập quốc tế” của bà Nguyễn Thanh Thủy, Công ty TNHH Vinaxanh Việt Nam;
  • “Một số chế phẩm vi sinh xử lý đất và môi trường nước trong nông nghiệp” của ông Phí Quyết Tiến, Viện Công nghệ Sinh học;
  • “Ứng dụng Công nghệ sinh học trong nông nghiệp” của ông Mai Trường, Viện Sinh học nhiệt đới;
  • “Thiết bị sấy nông sản tiết kiệm năng lượng ứng dụng công nghệ bơm nhiệt” của ông Nguyễn Trí Anh, Viện Công nghệ hóa học;
  • “Công nghệ sản xuất Đồng (I) clorua nano ứng dụng làm phân bón có tác dụng diệt trừ nấm bệnh” của ông Lê Nghiêm Anh Tuấn, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng;
  • “Các chế phẩm Hud-5 , HCVS/FM phát huy hiệu quả nuôi tôm sú, cá tra, nuôi tôm/lúa, nuôi tôm-cua ở rừng ngập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long” của ông Hoàng Đại Tuấn, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên.
  • “Một số ứng dụng công nghệ NANO trong nông nghiệp: của ông Đào Trọng Hiền, Viện Công nghệ Môi trường;
  • “Hệ thống đo lường và điều khiển thông minh trong nông nghiệp” của ông Trần Tuấn Đức, Viện Cơ học và Tin học Ứng dụng;

Hội thảo cũng là cơ hội cho các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận về khả năng hợp tác, đặt hàng, triển khai ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Sự phát triển của ngành nông nghiệp trong thời gian qua gắn liền với việc ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học công nghệ trong nuôi trồng và sản xuất để không ngừng cải thiện năng suất và chất lượng. Do đó, việc liên kết, giới thiệu, quảng bá các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa vào ứng dụng trong nông nghiệp là hết sức cần thiết.

cantho4

Khu trưng bày sản phẩm của Viện Hóa học các hợp chất tự nhiên

Hội thảo mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, là cơ hội phổ biến, lan tỏa, nhân rộng các công trình nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp của các nhà khoa học Viện Hàn lâm, giúp các doanh nghiệp quan tâm có cơ hội tìm hiểu và liên kết hợp tác. Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp và được đại biểu tham dự và các cơ quan truyền thông đánh giá cao.

Nguồn tin: Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ
Xử lý tin: Thanh Hà

 



Tags:
Tin liên quan