Hội thảo “Hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ”, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

20/09/2022
Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 09/09/2022, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức Hội thảo “Hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ”, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đồng chí Chu Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và đồng chí Phạm Tuấn Huy, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Viện Hàn lâm chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ Viện Hàn lâm, cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Viện Hàn lâm đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu đáng ghi nhận. Viện Hàn lâm đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng các kết quả nghiên cứu KHCN, công bố quốc tế và sở hữu trí tuệ trên các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản, ứng dụng triển khai, nghiên cứu phát triển các công nghệ trọng điểm. Để đạt được những thành tích trên, không thể không nhắc đến vai trò của công tác hợp tác và hội nhập quốc tế.

Từ năm 2012, hoạt động hợp tác quốc tế được định hướng phát triển có hệ thống, sâu và rộng hơn, thể hiện rõ vai trò và vị thế của một Viện nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam trên trường quốc tế. Một số kết quả trong hợp tác và hội nhập quốc tế của Viện Hàn lâm trong 10 năm qua như sau:

Viện Hàn lâm đã mở rộng hợp tác với nhiều đối tác tại các quốc gia có trình độ KHCN tiên tiến, nhằm khai thác thế mạnh KHCN của các quốc gia phát triển thông qua các dự án nghiên cứu chung, để thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao. Nhiều hợp tác định hướng phát triển các nghiên cứu có tính hệ thống, lâu dài, nhằm đạt được những kết quả KHCN có chất lượng cao như hợp tác công nghệ vũ trụ với Nhật Bản và Pháp, hợp tác phòng thí nghiệm chung với Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp về Toán học, ăn mòn vật liệu, hóa hợp chất thiên nhiên, sinh thái nhiệt đới; hợp tác nghiên cứu khảo sát biển với Viện Hàn lâm Khoa học Nga,…

Trong đào tạo nguồn nhân lực, Viện Hàn lâm đã hợp tác với nhiều đối tác quốc tế uy tín để cử cán bộ sang đào tạo sau đại học, tiến sĩ, sau tiến sĩ. Phối hợp hiệu quả với các trường Đại học, Viện Nghiên cứu Pháp triển khai dự án Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, đào tạo nhân lực KHCN chất lượng cao; phối hợp với Đại học Osaka - Nhật Bản xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học và các hoạt động thí nghiệm chung, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo sau đại học tại Viện Hàn lâm.

Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Viện Hàn lâm cũng đã thu hút được nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong cộng đồng tham gia thực hiện, tư vấn cho những nội dung khoa học trong nước; đồng thời thu hút một số nhà khoa học nước ngoài tới cộng tác làm việc tại Việt Nam và Viện Hàn lâm.

Một số nhà khoa học của Viện Hàn lâm đã đạt thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và được trao tặng những giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế; số lượng công bố quốc tế của Viện Hàn lâm đã tăng hơn 2,5 lần với chất lượng ngày càng nâng cao. Hàng năm đều có từ 3-5 đăng ký mở mới của các nhiệm vụ hợp tác quốc tế về lĩnh vực nghiên cứu cơ bản.

Công tác hợp tác quốc tế cũng góp phần từng bước hội nhập, nâng cao vị thế của KHCN Việt Nam cũng như Viện Hàn lâm, thể hiện qua việc UNESCO bảo trợ thành lập 2 trung tâm dạng 2 về Toán học và Vật lý đặt tại Viện Hàn lâm; Viện Hàn lâm cũng chủ động, tích cực tham gia và là đại diện quốc gia nhiều tổ chức KHCN, tổ chức quốc tế đa phương như Viện liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR), Viện Phân tích hệ thống Ứng dụng quốc tế (IIASA), Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ (IOC), Chủ tịch 2 nhiệm kỳ của IOC khu vực Tây Thái Bình Dương; ...

Song song với việc hợp tác và hội nhập KHCN, Viện Hàn lâm cũng tích cực thực hiện nghĩa vụ quốc tế, chuyển giao KHCN cho các đối tác quốc tế khác trong khu vực, như hỗ trợ Viện Khoa học quốc gia Lào phát triển nghiên cứu trong 2 lĩnh vực Khoa học sự sống và Khoa học trái đất trong khuôn khổ dự án ODA của Chính phủ Việt Nam.

Hội thảo cũng được nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, báo cáo tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm; là cơ hội để đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm; đề xuất cơ chế, chính sách cũng như phương hướng, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, tổng hợp thông tin phục vụ xây dựng Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20.

TS. Lê Quỳnh Liên với tham luận "Hợp tác và hội nhập quốc tế của Viện Hàn lâm KHCNVN" PGS.TSKH. Đoàn Thái Sơn với tham luận: "Hợp tác và hội nhập quốc tế trong nghiên cứu cơ bản tại Viện Hàn lâm KHCNVN"

GS. Trần Đại Lâm với tham luận: "Hợp tác quốc tế trong phát triển mô hình Phòng thí nghiệm liên kết tại Viện Hàn lâm KHCNVN"

PGS. TS. Đinh Thị Mai Thanh với tham luận: "Hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực khoa học công nghệ tại Viện Hàn lâm KHCNVN"

PGS.TS. Đào Việt Hà với tham luận: "Thập kỷ khoa học Đại dương vì sự phát triển bền vững (2021-2030) - Hành động của IOC Việt Nam"

Đồng chí Trần Hồng Hà, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, chuyên gia đóng góp ý kiến

Chụp ảnh lưu niệm

Thanh Hà



Tags:
Tin liên quan