Hội nghị tổng kết năm 2009 và một số thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật của Viện Công nghệ sinh học
Tại Hội nghị, PGS.TS. Trương Nam Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học đã trình bày Báo cáo Tổng kết hoạt động của Viện trong năm 2009 và Phương hướng kế hoạch hoạt động trong năm 2010. Trong Báo cáo nêu rõ những thành tích của Viện trên hầu hết các mặt hoạt động. Cụ thể là: Trong vấn đề kiện toàn tổ chức, Viện CNSH đã thành lập mới phòng Các chất chức năng sinh học và Tổ thử nghiệm sinh học. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Viện đã tiến hành công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp viện cho giai đoạn 2011-2015; trong hoạt động đào tạo, Viện đã xây dựng được Qui chế Đào tạo trình độ tiến sĩ theo Qui chế 10/2009 của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, bộ phận đào tạo cũng đã phối hợp với các Phòng nghiên cứu trong Viện tổ chức khóa thực tập ngắn hạn và phối hợp với các cơ quan ngoài tổ chức các lớp học, hội thảo, hội nghị; hoạt động hợp tác quốc tế cũng được tăng cường và đẩy mạnh, đặc biệt Viện cũng đã ký kết được 6 MOU quốc tế với các trường Đại học, Viện nghiên cứu lớn của Nhật, Pháp, Hàn Quốc và Mỹ trong việc trao đổi đào tạo cán bộ nghiên cứu, các khóa học đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ và cùng hợp tác nghiên cứu; hoạt động xuất bản trong năm qua cũng đạt nhiều thành tựu đáng kể, các cán bộ của viện đã có 28 công trình công bố quốc tế, 215 công trình công bố trên các tạp chí quốc gia, xuất bản 04 quyển sách và có 06 công trình đăng ký bảo hộ phát minh sáng chế và giải pháp hữu ích....
Báo cáo cũng nêu rõ các thành tích nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai. Tổng cộng năm 2009 Viện Công nghệ sinh học được giao chủ trì với hơn 160 đề tài thuộc cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Cơ sở. Các kết quả đáng chú ý có được từ việc thực hiện các nhiệm vụ trên chia thành 3 nhóm: (1) Kết quả nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng; (2) Kết quả nghiên cứu triển khai và ứng dụng; (3) Kết quả về phát triển sản phẩm. Dưới đây là một số kết quả đáng chú ý nhất trong năm 2009 của Viện:
Nhóm kết quả nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng gồm:
• Biệt hóa tế bào cuống rốn thành tế bào tiền cơ tim và thần kinh;
• Phối hợp kỹ thuật phage display và real-time PCR trong định lượng kháng nguyên (Her2, Cyfra21-1, CD33) tăng độ nhạy lên 100-1000 lần so với ELIZA;
• Nghiên cứu tạo giống cây ăn quả kháng bệnh virus phổ rộng bằng kỹ thuật chuyển gen đa đoạn, các dòng cây chuyển gen đã được kiểm tra bằng PCR và đang được kiểm tra kháng virus trong nhà kính;
• Hoàn thiện quy trình tạo kháng thể đơn dòng tái tổ hợp có khả năng nhận biết và gắn kết đặc hiệu vi khuẩn gây bệnh E. coli O157:H7 và Salmonella dựa trên bề mặt hạt nano silica phát quang
• Xây dựng quy trình sản xuất enterocin tái tổ hợp
• Xây dựng LAMP xác định vi khuẩn Edwarsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ trên cá tra
• Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng các chất hoạt hóa bề mặt sinh học từ vi sinh vật biển trong một số ngành công nghiệp và xử lý môi trường;
• Ứng dụng công nghệ bảo tồn tinh dịch và thụ tinh nhân tạo chó để nhân giống và bảo tồn một số giống chó nghiệp vụ của ngành công an.
Nhóm kết quả nghiên cứu triển khai và ứng dụng:
• Nghiên cứu tạo kit phát hiện nhanh virus cúm A/H1N1
• Tẩy độc chất nhiễm chất độc hóa học/dioxin bằng công nghệ phân hủy sinh học tại sân bay Đà Nẵng
Nhóm kết quả phát triển sản phẩm:
• Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Naturenz, Uphaton, Tiên Dung và đã đoạt Cúp vàng Hội chợ Techmax ASEAN+3 (2009).
• Sản xuất và thử nghiệm chế phẩm đa enzyme
• Sản xuất Algal Omega-3
Nguồn tin: Viện Công nghệ sinh học
Xử lý tin: Minh Tâm