Hội nghị “50 năm thành tựu và thách thức trong nghiên cứu khoa học và công nghệ biển”
GS.TS. Nguyễn Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội đồng ngành Khoa học và Công nghệ biển phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội đồng ngành Khoa học và Công nghệ biển, Viện Hàn lâm khẳng định: “Khoa học công nghệ biển là một bộ phận quan trọng của khoa học và công nghệ quốc gia, giữ vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế biển nói riêng. Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ biển là một trong ba khâu đột phá chiến lược được nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Đảng về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội nghị với chủ đề “50 năm thành tựu và thách thức trong nghiên cứu khoa học và công nghệ biển” hướng tới mục tiêu chính: Tạo diễn đàn học thuật để các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trong và ngoài nước thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và ý tưởng hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững hướng tới phát triển kinh tế biển xanh tại Biển Đông và bảo vệ tương lai đại dương”.
Ban Tổ chức Hội nghị đã tiếp nhận 65 công trình khoa học, trong đó có 4 bài tham luận và 30 công trình được công bố trong Kỷ yếu Hội nghị, 18 bài báo đăng trên số đặc biệt của tạp chí quốc tế uy tín Regional Studies in Marine Science và 13 bài trên tạp chí Khoa học và Công nghệ biển.
TS. Nguyễn Xuân Anh - Phó Viện trưởng Viện Các Khoa học Trái Đất cho biết: “Có thể nói, không gian biển của Việt Nam, đặc biệt là Biển Đông không chỉ là phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là nguồn tài nguyên vô giá, là cửa ngõ kết nối Việt Nam với khu vực và thế giới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các thách thức môi trường toàn cầu, việc nghiên cứu khoa học và công nghệ biển càng trở nên cấp thiết để phát triển bền vững. Hội nghị đã tập hợp các chuyên gia hàng đầu từ nhiều lĩnh vực: Sinh học - sinh thái biển; hóa học và hóa sinh biển; địa chất - địa vật lý biển, môi trường biển, năng lượng và vật lý biển. Đây là cơ hội quý báu để các nhà khoa học cùng trao đổi kiến thức, chia sẻ kết quả nghiên cứu và thúc đẩy các hợp tác khoa học mới”.
Tại phiên toàn thể của Hội nghị, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Như Trung, GS.TS. Trần Đức Thạnh, PGS.TS. Đào Đình Châm, PGS.TS. Đoàn Thị Mai Hương, các nhà khoa học và các nhà quản lý trong lĩnh vực khoa học công nghệ biển đã trình bày 05 tham luận tổng quan về các kết quả nghiên cứu tiêu biểu và định hướng phát triển ngành trong giai đoạn tiếp theo, như: “Ứng dụng khoa học công nghệ biển vào thực tiễn góp phần phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ chủ quyền biển đảo”; “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về biển, góp phần phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ chủ quyền biển đảo”; “Thực trạng và định hướng phát triển khoa học công nghệ biển phục vụ điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển”; “Những đóng góp về khoa học và công nghệ biển trong hành trình 65 năm xây dựng và phát triển của Viện Tài nguyên và Môi trường biển” (nay là Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường); “Hệ thống quan sát, báo tin động đất và cảnh báo sóng thần tại Việt Nam: Hiện trạng, thách thức và giải pháp”.
Các báo cáo tổng quan đã phản ánh toàn diện những thành tựu nổi bật và xu hướng phát triển của khoa học công nghệ biển Việt Nam trong thời gian qua. Đây là cơ sở khoa học quan trọng góp phần hoạch định chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trong giai đoạn mới.
Tại các phiên chuyên đề, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phan Thị Thanh Hằng, PGS.TS. Phạm Đức Thịnh, PGS.TS. Nguyễn Văn Quân, TS. Hoàng Xuân Bền, PGS.TS. Phạm Hữu Thiện, các nhà khoa học đã trình bày và thảo luận 17 báo cáo khoa học, tập trung vào nhiều lĩnh vực như kinh tế biển xanh, đa dạng sinh học, mô hình bảo tồn tài nguyên, nghiên cứu dòng chảy ven bờ, kỹ thuật giao tiếp dưới nước, xử lý môi trường cảng biển, cũng như khai thác hợp chất sinh học từ vi sinh vật biển…Các báo cáo khoa học không chỉ làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững mà còn đề xuất các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ và khai thác tài nguyên biển hiệu quả.
Thông qua Hội nghị, các nhà khoa học, nhà quản lý ngành Khoa học và Công nghệ biển đã đề xuất một số định hướng cho các chủ đề nghiên cứu chính trong giai đoạn sắp tới, gồm: Thúc đẩy việc thành lập các tập thể khoa học mạnh về khoa học và công nghệ biển có đủ năng lực làm chủ được các công nghệ liên quan đến điều tra, nghiên cứu vùng biển sâu, xa bờ; đẩy mạnh các nghiên cứu vùng biển sâu và xa bờ, nghiên cứu dự báo biển; tiếp tục triển khai các nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng các mô hình và chuyển giao công nghệ cho các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; tăng cường hợp tác quốc tế với các Viện nghiên cứu chuyên ngành về biển, trong đó ưu tiên các đối tác truyền thống.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Báo cáo tham luận tại Hội nghị
Chụp ảnh lưu niệm
Bài: Kiều Anh; Ảnh: Minh Đức – Nam Phương
Xử lý tin: Thanh Hà