Cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập thành viên Viện Phân tích hệ thống ứng dụng Quốc tế

02/10/2013
Viện Phân tích hệ thống ứng dụng Quốc tế (IIASA) là một tổ chức khoa học quốc tế, độc lập, phi chính phủ, được thành lập vào năm 1972, có trụ sở tại Laxenburg, Áo. Viện IIASA gồm 20 tổ chức thành viên, chủ yếu là các viện hàn lâm khoa học hay các tổ chức khoa học của các nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi. IIASA là nơi tập hợp các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh tế từ hơn 35 quốc gia, trong đó có nhiều học giả nổi tiếng thế giới, từng đoạt giải Nobel, tiến hành nghiên cứu và liên kết với các mạng lưới nghiên cứu trên toàn cầu để thu thập, xử lý dữ liệu, từ đó đưa ra các mô hình khoa học tiến tiến.

Các nghiên cứu của IIASA đều hướng tới cung cấp kiến thức chuyên sâu, các giải pháp hữu hiệu cho những thách thức về chính sách và quản lý đối với các vấn đề mang tính toàn cầu, những vấn đề quá rộng lớn, quá phức tạp khó có thể giải quyết bởi một nước đơn lẻ. Với chiến lược đến năm 2020, IIASA sẽ tập trung nghiên cứu vào 3 lĩnh vực chính: Năng lượng và biến đổi khí hậu; lương thực và nước; đói nghèo và bình đẳng. Đây là những lĩnh vực rất cơ bản, có ý nghĩa thời sự.

Sau chuyến thăm Cộng hòa Áo của Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Nguyễn Thiện Nhân, tháng 1 năm 2012, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ và cơ quan liên quan đàm phán với tổ chức IIASA để Việt Nam gia nhập thành viên. Sau nhiều cuộc trao đổi giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và IIASA, đặc biệt là cuộc đàm phán giữa phái đoàn Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng đại diện của Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính tại thủ đô Viên - Cộng hòa Áo vào tháng 3 năm 2012 và cuộc đàm phán giữa phái đoàn IIASA và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Hà Nội vào tháng 1 năm 2013, cũng như nhờ sự giúp đỡ tích cực của Đại Sứ quán Việt nam tại Cộng hòa Áo, ngày 10 tháng 9 năm 2013, Hội đồng IIASA thông báo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ chính thức trở thành Tổ chức Thành viên Quốc gia của Việt Nam - thành viên thứ 21 của IIASA bắt đầu từ ngày 01 tháng 11 năm 2013 (Thông cáo về việc “Việt Nam gia nhập IIASA” đăng trên website của IIASA: http://www.iiasa.ac.at/web/home/about/news/Vietnam_NMO_joins_IIASA.en.html), file PDF đính kèm download tại đây.

GS Nguyễn Đình Công, Phó chủ tịch VAST dẫn đầu Đoàn cán bộ Viện HLKHCNVN, Bộ KHCN, Bộ Tài chính và Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Áo tham gia đàm phán với tổ chức IIASA, 2012.

Trong bối cảnh chung của toàn cầu, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về thiếu năng lượng, thiếu lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ... Đây cũng là những vấn đề mà Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang triển khai nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp khắc phục. Trở thành thành viên của IIASA, Việt Nam sẽ tham gia vào việc hoạch định chính sách và triển khai các hoạt động của IIASA, cử đại diện của Việt Nam làm thành viên Hội đồng IIASA và tham gia các phiên họp thường niên của Hội đồng IIASA. Gia nhập thành viên IIASA, Việt Nam kỳ vọng cùng cộng đồng IIASA nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để xử lý những vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu. Thông qua các hoạt động của IIASA, các nhà quản lý và các nhà khoa học của Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp xúc, học hỏi, hợp tác với cộng đồng khoa học của IIASA, tham gia vào các chương trình nghiên cứu của IIASA, đồng thời có thể tiếp cận được những những số liệu toàn cầu và các phương pháp nghiên cứu hiện đại cũng như những kết quả nghiên cứu mới về các vấn đề mà Việt Nam đang đặc biệt quan tâm, từ đó tư vấn cho Chính phủ Việt Nam những giải pháp và kịch bản phù hợp để khắc phục những tác động tiêu cực do thiên nhiên và con người gây ra. Việc trở thành thành viên của IIASA còn tạo cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam tham gia chương trình hè dành cho các nhà khoa học trẻ cũng như các chương trình đào tạo sau tiến sĩ do IIASA tổ chức - điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn.

iiasa 2

Phó Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nguyễn Thiện Nhân tiếp GS. Pavel Kabat Gíam đốc IIASA, nhân chuyến thăm và đàm phán với Viện HLKHCNVN về việc Việt Nam ra nhập IIASA, 2013.

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình gia nhập thành viên IIASA, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số khó khăn như cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu chưa đầy đủ; Đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Việt Nam có trình độ và năng lực, song số lượng và chất lượng cán bộ nghiên cứu chưa đáp ứng được nhu cầu cho các nghiên cứu mang tính toàn cầu; Nhận thức của người dân về tác động tiêu cực của những vấn đề thiếu năng lượng, thiếu lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu còn hạn chế.

Trong thời gian tới, khi chính thức trở thành thành viên của IIASA, Việt Nam sẽ tích cực và chủ động tham gia các hoạt động của IIASA để mang lại hiệu quả cao nhất, giúp các nhà quản lý và hoạch định chính sách của Việt Nam có được những giải pháp sáng suốt, hữu hiệu để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay.

Tin: Lương Thúy Hằng - Ban Hợp tác quốc tế 



Tags:
Tin liên quan