Chuyến khảo sát phối hợp giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga lần thứ 6 ở vùng biển Việt Nam bằng tàu Viện sỹ Oparin
Các nhà khoa học Việt Nam và Nga tham gia chuyến khảo sát phối hợp giữa VAST-FEBRAS lần thứ 6 bằng tàu Viện sĩ Oparin
Mặc dù trên đường đi từ cảng Vladivostok đến Nha Trang, tàu Viện sỹ Oparin gặp bão nhưng thủy thủ đoàn đã cố gắng đưa tàu cập cảng Nha Trang kịp chuyến khảo sát. Trong thời gian diễn ra chuyến khảo sát, tuy điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng đoàn khảo sát gồm 15 nhà khoa học của các Viện chuyên ngành thuộc VAST (Viện Hải dương học, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hóa sinh biển, Viện Hóa các hợp chất thiên nhiên, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang, Viện Công nghệ Vũ trụ), 3 nhà khoa học từ Bộ tư lệnh Hải Quân, Tổng cục Biển và Hải đảo, Tổng cục Dầu khí và 19 nhà khoa học đến từ Viện Hóa sinh Hữu cơ Thái bình dương và Viện Sinh học Biển thuộc RAS đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao. Với phạm vi khảo sát là vùng biển xung quanh các đảo Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu, Nam Du, An Thới và các bãi cạn trên thềm lục địa Nam Việt Nam; ba dạng sinh cảnh được nghiên cứu gồm rạn san hô ven đảo và bãi ngầm (bằng kỹ thuật lặn SCUBA) và vùng biển sâu (bằng cào hoặc cuốc chuyên dụng). Tại 12 điểm lặn và 20 điểm cào hoặc cuốc lấy mẫu chuyên dụng phân bố từ lân cận các đảo đến độ sâu 500 m, các nhà khoa học Việt Nam và Nga đã thu thập 1064 mẫu san hô, hải miên, hải sâm, cầu gai, tảo biển,… 314 mẫu vi sinh vật biển và nhiều tư liệu về đa dạng sinh học và cấu trúc quần xã sinh vật; các mẫu vật được tách chiết nghiên cứu hóa sinh và môi trường; bộ mẫu động vật không xương sống biển sâu sẽ được xử lý chuyển vào bộ mẫu vật của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Ngay sau khi tầu cập cảng Nha Trang, ngày 29/7/2018, VAST và RAS đã tổ chức hội thảo để đánh giá và thảo luận về những kết quả đã đạt được trong chuyến khảo sát, cũng như đề xuất các phương án tiếp theo, các nhà khoa học Việt Nam và Nga sẽ cùng nhau phân tích mẫu vật, nghiên cứu chuyên đề và công bố các tài liệu khoa học về:
- Đa dạng sinh học vùng biển sâu.
- Thành phần san hô và cá rạn san hô, đặc điểm cấu trúc quần xã rạn.
- Kim loại nặng và chất kháng oxy hoá trong động vật thân mềm.
- Các chất có hoạt tính sinh học từ vi sinh vật biển.
- Bước đầu tìm hiểu một số yếu tố môi trường liên quan đến axit hóa đại dương.
Hội thảo về kết quả chuyến khảo sát biển phối hợp giữa VAST-FEBRAS lần thứ 6 bằng tầu Viện sĩ Oparin
Như vậy, việc tăng cường phối hợp tổ chức các chuyến khảo sát đa dạng sinh học biển Việt Nam bằng tàu Viện sỹ Oparin từ 3 năm tổ chức một lần nay tăng lên 2 năm tổ chức một lần đã tiếp tục khẳng định mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa VAST với đối tác Liên bang Nga; đặc biệt là hợp tác sâu rộng với Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhằm phát triển khoa học - công nghệ và kiện toàn năng lực nghiên cứu khoa học biển cho Việt Nam.
Nguyễn Thị Hiền - Ban Hợp tác quốc tế