Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ

09/03/2023
Ngày 07/03/2023, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ.

Tham dự buổi làm việc, về phía Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) có GS.VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, cùng đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức – Cán bộ và Kiểm tra, đại diện lãnh đạo 3 đơn vị cơ sở đào tạo: Học Viện Khoa học và Công nghệ, Viện Toán học, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) và đại diện lãnh đạo một số Khoa trực thuộc Học viện Khoa học và Công nghệ và USTH.

Về phía Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có PGS.TS. Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Trưởng Đoàn; TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các đồng chí Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Đại diện Lãnh đạo các Vụ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện lãnh đạo các Vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Quốc hội và chuyên gia.

Toàn cảnh buổi làm việc

Viện Hàn lâm có 3 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, gồm: Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Toán học và USTH.

Trong những năm qua, Đảng ủy và Lãnh đạo Viện Hàn lâm luôn quan tâm và chỉ đạo, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ. Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm luôn coi trọng công tác đào tạo qua việc ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị về công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ, với phương châm lấy chất lượng làm mục tiêu hàng đầu. Bên cạnh đó, những năm vừa qua, các đơn vị đào tạo của Viện Hàn lâm cũng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Quốc hội và các cơ quan liên quan để công tác đào tạo tiến sĩ đi vào nề nếp, đạt chất lượng cao.

Đảng ủy Viện Hàn lâm đã ban hành Nghị quyết số 73-NQ/ĐUVHL ngày 03/02/2017 về nâng cao công tác đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đến năm 2022, sau 05 năm thực hiện, Viện Hàn lâm đã tiến hành sơ kết Nghị quyết và ban hành Kết luận số 349-KH/ĐU ngày 06/10/2022 của Đảng ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 73-NQ/ĐUVHL ngày 03/02/2017 về nâng cao công tác đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Triển khai nội dung này, các nghiên cứu sinh bảo vệ đều có công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, có uy tín trong danh mục ISI.

Trưởng Đoàn giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu

Việc xét và tài trợ kinh phí thực hiện đề tài cho các nghiên cứu sinh xuất sắc được thực hiện thông qua các chương trình đã được phê duyệt. Các hoạt động đào tạo hoặc hỗ trợ đào tạo ở các cấp bậc được triển khai thông qua nhiều chương trình, nhiều đơn vị như: Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Toán học Quốc tế, Trung tâm Vật lý quốc tế (do UNESCO công nhận và bảo trợ).

Chất lượng đào tạo gần tiệm cận chất lượng quốc tế. Viện Hàn lâm đã triển khai thành công chương trình đào tạo nghiên cứu sinh chất lượng quốc tế. Mở mới chương trình dự bị nghiên cứu sinh. Tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài để triển khai đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Thực hiện hình thức đồng hướng dẫn cho phép nghiên cứu sinh làm việc dưới sự hướng dẫn của 01 giảng viên đơn vị đào tạo và 01 giảng viên quốc tế, có thời gian làm việc tại Việt Nam và nước ngoài phù hợp với nội dung nghiên cứu. Các ngành đào tạo có ưu thế như: Công nghệ sinh học, y dược, Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano.

Viện Hàn lâm cũng phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao từ các nhà khoa học ở các đơn vị trực thuộc. Nguồn cán bộ khoa học của các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm, trong đó có 63 Giáo sư, 212 Phó Giáo sư và 541 Tiến sĩ. Không chỉ tham gia công tác giảng dạy trực tiếp, các nhà khoa học đến từ các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm còn tham gia các hoạt động đào tạo khác như hướng dẫn sinh viên, học viên cao học thực hiện nghiên cứu khoa học, thực hiện khóa luận tốt nghiệp, luận văn tốt nghiệp và các hoạt động học thuật khác như tham gia hội đồng đánh giá khóa luận, luận văn, luận án, hội đồng tuyển nghiên cứu sinh...

Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và các Viện nghiên cứu chuyên ngành. Chủ tịch Viện Hàn lâm đã ban hành Quyết định số 2543/QĐ-VHL ngày 28/12/2018, phê duyệt chương trình Đào tạo tiến sĩ chất lượng quốc tế, nhằm hỗ trợ thêm kinh phí cho nghiên cứu sinh xuất sắc của Học viện Khoa học và Công nghệ.

Xây dựng khai thác, sử dụng chung cơ sở vật chất, thiết bị, phòng thí nghiệm tại Viện nghiên cứu chuyên ngành cho công tác đào tạo. Viện Hàn lâm đã xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động đào tạo giữa các Viện chuyên ngành và Học viện nhằm đảm bảo có thể phát huy tối đa hiệu quả sử dụng các cơ sở này cho công tác nghiên cứu và đào tạo của Học viện. Trường USTH đã ký thỏa thuận hợp tác và chia sẻ cơ sở vật chất với 10 đơn vị của Viện Hàn lâm, để mở rộng thêm diện tích lớp học, phòng thí nghiệm thực hành. Viện Toán học đã triển khai phát triển hệ thống phòng học, phòng hội thảo, phòng thí nghiệm.

Trong quá trình triển khai, các cơ sở đào tạo của Viện Hàn lâm cũng gặp một số khó khăn chung như việc thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên trẻ, giỏi, chế độ lương, những khó khăn trong tinh giản biên chế, bộ máy, một số văn bản luật còn chồng chéo,... Viện Hàn lâm cũng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết đào tạo trình độ tiến sĩ là công việc hết sức quan trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hiệu quả đào tạo của Viện Hàn lâm đóng góp nguồn lực quan trọng cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước.

Mục tiêu của chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ là tìm hiểu, phát hiện điểm hay, cách làm tốt, từ đó nhân rộng, biểu dương; đồng thời nhìn nhận những mặt hạn chế, yếu kém trong công tác đào tạo tiến sĩ, nhất là về chính sách, pháp luật, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng trong đào tạo trình độ tiến sĩ.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, đoàn giám sát cũng đã tham quan một số phòng thí nghiệm của Viện Hàn lâm.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Thăm quan phòng thí nghiệm. (Ảnh: quochoi.vn)

Các đại biểu trao đổi tại buổi làm việc

Nguồn tin: Ban Tổ chức - Cán bộ và Kiểm tra
Xử lý tin: Thanh Hà



Tags:
Tin liên quan