Đoàn đại biểu Tỉnh Hà Giang đến thăm và làm việc tại Viện HLKHCNVN
Đón tiếp đoàn có GS. Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện HLKHCNVN, GS. Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện, PGS. Hà Duy Ngọ, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Viện, đại diện lãnh đạo các Ban chức năng, Văn phòng và các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành của Viện.
Mở đầu buổi tiếp, GS. Châu Văn Minh thay mặt Viện HLKHCNVN nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu Tỉnh Hà Giang. Nhân dịp này, GS. Châu Văn Minh đã giới thiệu tóm tắt về nhân lực, vật lực, tiềm lực khoa học của Viện, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ, chuyển giao nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong cả nước nói chung và Tỉnh Hà Giang nói riêng.
Thay mặt đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang, đồng chí Triệu Tài Vinh cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Viện Hàn lâm giành cho đoàn, đặc biệt đánh giá cao tinh thần hợp tác, sẵn sàng hỗ trợ của Viện đối với Tỉnh trong thời gian qua, và hy vọng tiếp tục nhận được sự phối hợp, giúp đỡ của Viện trong thời gian sắp tới.
GS Châu Văn Minh trao quà quà lưu niệm cho đoàn
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh trình bày Báo cáo tiến độ phối hợp triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ giữa Viện Hàn lâm KHCNVN và UBND Tỉnh Hà Giang từ đầu năm tới nay.
Xuất phát từ việc đánh giá tiềm năng, thế mạnh và những thách thức, khó khăn của tỉnh Hà Giang, Viện và Tỉnh cùng thống nhất các nội dung hợp tác giữa hai bên.
Là một tỉnh vùng núi cao, Hà Giang có ưu thế lớn để phát triển cây dược liệu. Trên cơ sở đã thử nghiệm 21 loài trên 1000 ha, Tỉnh đề nghị Viện phân tích, xác định hoạt tính sinh học và đánh giá chất lượng 15 loài dược liệu chủ lực của Tỉnh, giúp Tỉnh xây dựng chiến lược phát triển cây dược liệu, làm cơ sở khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa Hà Giang trở thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu. Đây là vấn đề trọng tâm đã được Viện nhất trí trong Biên bản thỏa thuận Hợp tác ngày 13/3/2014. Theo tinh thần của Bản thỏa thuận, Viện cũng nhận trách nhiệm nghiên cứu và triển khai sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm từ nguồn dược liệu tại chỗ, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở Hà Giang.
Tại buổi họp lần này một số nhà khoa học tiếp tục đề xuất một số ý tưởng như Viện có khả năng tham gia nghiên cứu, đánh giá, giãi mã, bảo tồn đa dạng sinh học nguồn gen của các loại cây dược liệu và các loại vật nuôi khác;bảo quản nông sản sau thu hoạch, xác định chính xác các vùng vi khí hậu thích hợp cho từng loại cây dược liệu; ứng dụng công nghệ chế biến, sấy, hấp dược liệu ...
Thăm quan Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Ngoài lợi thế về cây dược liệu, Tỉnh và Viện còn tập trung bàn đến vấn đề nghiên cứu phát huy giá trị bền vững Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (đã được UNESCO công nhận đưa vào hệ thống mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu), góp phần tạo thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc trong khu vực. Trong đó có ứng dụng công nghệ mới, nâng cấp Hồ treo Sà Phìn tăng nguồn thu trữ nước và tạo cảnh quan du lịch trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bên cạnh đó, vị trí địa lý nằm ở trung tâm và chuyển tiếp giữa vùng Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ cũng là một lợi thế của Tỉnh. Với lợi thế này, Tỉnh đề nghị Viện xây dựng trung tâm nghiên cứu đa ngành của vùng đặt tại Hà Giang. Trong đó chú trọng đến vấn đề tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, tư vấn quản lý và chuyển giao công nghệ, và đặc biệt là tận dụng, ưu tiên phát triển tối đa nguồn nhân lực, vật lực tại địa phương. Viện sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học công nghệ trên các lĩnh vực, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học – công nghệ và kinh tế - xã hội của Hà Giang nói riêng và toàn vùng Bắc Bộ nói chung.
Thăm quan Trung tâm điều khiển Vệ tinh VNRED-Sat1
Ngoài ra, một số vấn đề thiết thực đối với đồng bào Hà Giang cũng được các đại biểu đưa ra bàn bạc sôi nổi như đề xuất chuyển giao cho địa phương công nghệ sản xuất tấm lợp không amiang, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, khí thải, đánh giá tác động môi trường, biến đổi khí hậu, xây dựng hệ thống quan trắc cho tỉnh theo chế độ tự động bằng công nghệ vệ tinh, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe từ xa,...
Chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang kết thúc tốt đẹp, các ý tưởng đề xuất, giải pháp khoa học thiết thực hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng hợp tác phát triển Tỉnh và Viện. Hy vọng trong tương lai không xa, với sự hỗ trợ tích cực của Viện trong việc xây dựng, phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khoa học và công nghệ, Tỉnh sẽ khai thác hiệu quả nhất các tiềm năng, thế mạnh, đẩy nhanh tiến trình xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tin và ảnh: Bích Diệp