Định hướng phát triển công nghệ xử lý chất thải trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường theo Luật bảo vệ môi trường 2020

04/07/2022

Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, các vấn đề ô nhiễm môi trường đã gây nên rất nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội và an ninh của các quốc gia trên thế giới. Với nền kinh tế được đánh giá tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ vừa qua nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều điểm nóng, trong đó đứng đầu là ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất. Nguyên nhân chủ yếu là do các chất thải đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe của nhân dân.

Vấn đề đặt ra cần phát triển các công nghệ nhằm xử lý chất thải và cùng với sự phát triển công nghệ mạnh mẽ trong thời đại hiện nay, ở các nước đã phát triển, bản thân chất thải là nguồn tài nguyên tái tạo rất lớn và đang dần dịch chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến “sản xuất - sử dụng - thải bỏ” sang nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững; chuyển đổi quan điểm, yêu cầu mới về quản lý bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay, khái niệm công nghệ xử lý chất thải cần được mở rộng theo quan điểm mới: xử lý chất thải bao hàm mục tiêu tái chế, tái sử dụng chất thải; xử lý chất thải phát sinh từ nguồn thải (nguồn thải điểm, nguồn thải diện), xử lý chất ô nhiễm trong môi trường nước, đất, không khí… Đây chính là chìa khóa đột phá trong chính sách môi trường của Chính phủ Việt Nam thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Với chức năng nhiệm vụ quy định, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tập trung nghiên cứu các vấn đề xử lý môi trường và năm 2002 đã thành lập Viện Công nghệ Môi trường; đến nay đã khẳng định được vị trí của mình trong lĩnh vực xử lý chất thải bảo vệ môi trường của Việt Nam với tiêu chí biến “chất thải thành tài nguyên tái tạo” hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Từ đó có rất nhiều các công nghệ xử lý chất thải được ứng dụng vào thực tiễn đã được ghi nhận thông qua các bằng độc quyền sở hữu trí tuệ, các giải thưởng và các hợp đồng chuyển giao. Để tiếp tục phát triển các hướng nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải với mục tiêu hướng đến “xã hội tuần hoàn, vật chất an toàn”, bài viết khái quát hóa các điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 về lĩnh vực này, từ đó đề xuất một số các giải pháp định hướng phát triển công nghệ xử lý chất thải ở Viện Hàn lâm.

1. Giới thiệu một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 về thúc đẩy phát triển Công nghệ xử lý chất thải:

+ Công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam: Theo định nghĩa Công nghệ xử lý chất thải là loại hình, nhóm ngành đặc biệt quan trọng trong ngành công nghiệp môi trường và trong Luật BVMT 2020 đã khẳng định “công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam” và nhấn mạnh “chính sách hỗ trợ và làm rõ các hình thức hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển công nghiệp môi trường”.

+ Áp dụng Kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT – khoản 36 điều 3) là chính sách mới thuộc nhóm chính sách về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường của Luật BVMT 2020 và lần đầu tiên BAT được luật hoá trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Quy định BAT trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (điều 105) tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành các quy định kỹ thuật để hướng dẫn, khuyến khích và có lộ trình bắt buộc chủ cơ sở thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiên cứu, áp dụng tại Việt Nam; từng bước thể chế hoá chủ trương tăng cường bảo vệ môi trường, không đánh đổi kinh tế lấy môi trường của Đảng và Nhà nước. BAT bao gồm cả công nghệ sản xuất lẫn công nghệ xử lý chất thải.

+ Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng chất thải: Kinh tế tuần hoàn được cập nhật, thể chế hoá trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (điều 142); theo đó quy định tiêu chí chung về kinh tế tuần hoàn bao gồm: a) Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; b) Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; c) Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.

Trong năm 2021, Viện Chiến lược chính sách TNMT (Bộ TNMT) đã phối hợp với UNDP xây dựng và ra mắt Mạng lưới kinh tế tuần hoàn, làm nền tảng để kết nối và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng.

+ Xã hội hoá hoạt động phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm: Trong Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra “không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư mới, trừ trường hợp chủ dự án đầu tư có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào môi trường tiếp nhận hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng để không làm phát sinh thêm nước thải hoặc trường hợp dự án đầu tư xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường khu vực bị ô nhiễm”.

+ Chủ động ứng phó sự cố môi trường, đặc biệt quan tâm đến sự cố ô nhiễm xuyên biên giới: Luật BVMT 2020 đã bổ sung các quy định làm rõ các loại sự cố môi trường (sự cố môi trường do chất thải và sự cố môi trường do hóa chất, phóng xạ, dầu tràn, dịch bệnh…); phân cấp sự cố môi trường, các giai đoạn ứng phó sự cố; phục hồi môi trường sau sự cố; trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cũng như nguồn tài chính cho ứng phó sự cố môi trường và việc công khai thông tin trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

2. Các yêu cầu đặt ra đối với công nghệ xử lý chất thải và kiến nghị

Trên cơ sở các định hướng, chính sách mới, quan trọng liên quan đến công nghệ xử lý chất thải trong công tác quản lý môi trường, bảo vệ tài nguyên cũng như nhu cầu thực tế hiện nay trong công tác quản lý nhà nước, đề xuất một số yêu cầu, giải pháp, kiến nghị như sau:

Cần đa dạng hoá cách tiếp cận, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng đối với công nghệ xử lý chất thải:

Công nghệ môi trường là ngành khoa học đa ngành, mặc dù các công nghệ xử lý chất thải của Viện Hàn lâm đã thành công trong thời gian vừa qua đã có sự phối hợp của rất nhiều ngành như vật lý, vật liệu, hóa học, sinh học, công nghệ thông tin… Tuy nhiên để tiến tới xây dựng các công nghệ xử lý bao gồm cả chất thải dạng điểm, dạng diện và xử lý ứng phó sự cố môi trường với mục tiêu “chất thải được coi là tài nguyên từ đó tạo ra chuỗi giá trị cho chất thải, tạo mô hình cho phát triển kinh tế tuần hoàn; tạo chuỗi giá trị cao hơn cho các sản phẩm; giảm chi phí xử lý chất thải; giảm phát thải khí nhà kính” rất cần sự phối hợp của ngành khoa học về trái đất đảm bảo tính ứng dụng có hiệu quả trong các điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp nhằm đưa công nghệ xử lý môi trường phù hợp gắn với thực tế vào sản xuất các ngành kinh tế, phục vụ xã hội. Mối tương quan “cộng sinh” giữa các nhà khoa học và các doanh nghiệp là nhu cầu nội tại và cũng là yếu tố then chốt để các nhà khoa học và doanh nghiệp phát triển, nâng cao vị thế cạnh tranh, xây dựng nên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Chủ động hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về kỹ thuật hiện có tốt nhất ở Việt Nam: Với các công nghệ xử lý chất thải đã có ở Viện Hàn lâm cần xây dựng Cơ sở dữ liệu bao gồm: thông tin kỹ thuật, công nghệ, giá thành của sản phẩm; thông tin về đăng ký sở hữu trí tuệ; khả năng ứng dụng; các địa chỉ đã ứng dụng; đánh giá hiệu quả ứng dụng thực tế; đối chiếu hiệu quả với các sản phẩm tương tự trên thị trường… Đây là cơ sở khoa học hỗ trợ các cơ quan quản lý có trách nhiệm ban hành các hướng dẫn kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT) có các loại hình xử lý chất thải cho các ngành lĩnh vực khác nhau.

Tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới và nội địa hóa phù hợp với điều kiện ở nước ta: Cùng với các chuyên gia quốc tế từ các đất nước có công nghệ tiên tiến về xử lý chất thải (Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Châu Âu…).. , các nhà khoa học của Viện đủ năng lực để chuyển đổi và áp dụng hiệu quả các công nghệ này phù hợp với các điều kiện ở Việt Nam.

Chủ động chia sẻ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu về công nghệ xử lý chất thải vào Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam do Bộ Tài nguyên môi trường phối hợp cùng với UNDP Việt Nam và các Đại sứ quán Hà Lan, Na-uy và Phần Lan xây dựng: việc chia sẻ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu về công nghệ xử lý chất thải vào Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tăng cường sự kết nối giữa các bên liên quan nói chung và tăng cường khả năng tiếp cận ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ của Viện Hàn lâm KHCNVN.

Tăng cường kết nối với giáo dục, đào tạo và truyền thông: Với thế mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ và những lợi thế trong việc áp dụng thí điểm, mở rộng ứng dụng thực tế…, cần tăng cường kết nối với giáo dục, đào tạo, truyền thông thông qua cung cấp các mô hình công nghệ (bao gồm cả thiết bị) sử dụng trong giáo dục đào tạo, triển lãm công nghệ, sàn giao dịch…

Thay cho lời kết: Với các chủ trương, định hướng, chính sách và quy định hiện hành được thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 có thể thấy công nghệ xử lý chất thải hiện diện rõ nét trong nhiều hoạt động, lĩnh vực và có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tăng cường, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách pháp luật, hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng như hiệu quả của các hoạt động bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong thực tiễn; góp phần hướng đến phát triển bền vững môi trường, kinh tế và xã hội.

Đáp ứng yêu cầu cấp bách đặt ra đối với công nghệ xử lý chất thải hiện nay, vai trò các nhà khoa học của Viện Hàn lâm trong thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào xử lý chất thải trong điều kiện Việt Nam theo tư duy “chất thải là tài nguyên” trong nền kinh tế tuần hoàn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần có sự kết hợp gắn bó giữa các ngành khoa học như vật lý, vật liệu, hóa học, sinh học, thông tin và khoa học trái đất... Bên cạnh đó cần có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp cũng như cộng đồng, nâng cao trách nhiệm của mỗi con người trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống của trái đất bền vững.

Sự đồng hành của các cơ quan quản lý với vai trò kiến tạo, kết nối, tạo môi trường chính sách, thể chế thúc đẩy mối quan hệ và hoạt động tương tác giữa doanh nghiệp và nhà khoa học để tạo ra, ứng dụng và chuyển hóa tri thức thành các giá trị gia tăng phục vụ nền kinh tế và đời sống xã hộị; cụ thể là chính sách hỗ trợ, khuyến khích để thúc đẩy phát triển các mô hình từ đề tài nghiên cứu thành mô hình cấp vùng hoặc quy mô công nghiệp.

Tài liệu tham khảo từ các báo cáo tham luận trong Hội thảo Công nghệ xử lý chất thải do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 21/11/2021.

Tác giả: Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ
Xử lý tin: Thanh Hà


Tags:
Tin liên quan