TIỀM NĂNG HỢP TÁC ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ GIỮA VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM VÀ VÙNG KALUGA, LIÊN BANG NGA

12/03/2025
Ngày 12/3/2025, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm), GS.TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện đã tiếp đón và làm việc với Phó Thống đốc Vùng Kaluga, Liên bang Nga, ông Potemkin Vladimir Vasilyevich cùng đoàn đại biểu, cùng trao đổi về các thế mạnh khoa học - công nghệ, tiềm năng hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.


Toàn cảnh buổi làm việc

GS.TS. Chu Hoàng Hà khẳng định mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa Viện Hàn lâm và các đối tác Nga trong suốt chiều dài 50 năm phát triển của Viện với sự hỗ trợ quan trọng của Chính phủ, nhân dân và các nhà khoa học Liên Xô trong đào tạo nguồn nhân lực và phát triển tiềm lực nghiên cứu khoa học công nghệ cho Viện Hàn lâm. Hiện nay, Viện Hàn lâm và các viện nghiên cứu hàng đầu Nga tiếp tục hợp tác trong nhiều dự án nghiên cứu chung; kết hợp với hoạt động đào tạo sau đại học trong nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng. Là đơn vị nghiên cứu hàng đầu trực thuộc Chính phủ Việt Nam, Viện Hàn lâm có thế mạnh về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, với hệ thống đơn vị nghiên cứu chuyên ngành và hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm cùng ba cơ sở đào tạo đại học và sau đại học với mạng lưới hợp tác rộng rãi trong nước và quốc tế.

Phó Thống đốc Vùng Kaluga, ông Potemkin Vladimir Vasilyevich, giới thiệu về Kaluga như một trung tâm khoa học - công nghệ quan trọng của Liên bang Nga, nổi bật trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân, công nghệ sinh học nông nghiệp và công nghiệp sản xuất. Ông cũng nhấn mạnh thành công của các doanh nghiệp Việt Nam tại Kaluga, đặc biệt là liên doanh TH True Milk với nhà máy sữa lớn nhất Liên bang Nga, cho thấy tiềm năng hợp tác không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu mà còn trong ứng dụng công nghệ và phát triển thương mại.


GS.TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện và ông Potemkin Vladimir Vasilyevich, Phó Thống đốc Vùng Kaluga, Liên bang Nga

Hai bên đã thảo luận về các hướng hợp tác tiềm năng, trong đó có phát triển công nghệ vệ tinh, đào tạo chuyên gia hàng không vũ trụ, ứng dụng công nghệ hạt nhân trong y học và năng lượng, nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, cũng như tăng cường hợp tác đào tạo kết hợp nghiên cứu khoa học. Viện Hàn lâm cũng mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ Kaluga trong phát triển bảo tàng khoa học, đặc biệt là bảo tàng hàng không vũ trụ.

Nhân dịp này, ông Potemkin Vladimir Vasilyevich thay mặt vùng Kaluga bày tỏ mong muốn trao tặng Viện Hàn lâm bức chân dung khổ lớn của Giáo sư Konstantin Tsiolkovsky, một nhà khoa học xuất sắc của vùng Kaluga, cha đẻ của ngành du hành vũ trụ hiện đại. Viện Hàn lâm trân trọng cảm ơn thiện chí của Lãnh đạo vùng Kaluga với đề xuất này và sẽ trưng bày tại Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam, đặt tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm, góp phần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam trong nghiên cứu và khám phá vũ trụ.

Trong thời gian tới, các đơn vị nghiên cứu của Viện Hàn lâm và vùng Kaluga sẽ kết nối, trao đổi, xây dựng chương trình hợp tác, làm đầy đặn thêm truyền thống hợp tác giữa khoa học công nghệ và đào tạo giữa Việt Nam và Liên bang Nga, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2025 này.


Chụp ảnh lưu niệm

GIỚI THIỆU VÙNG KALUGA 

Kaluga là một vùng thuộc của Liên bang Nga, cách Moscow khoảng 160km; nổi tiếng với lịch sử khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và năng lượng nguyên tử. Đây là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển tại Nga, một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Nga, đặc biệt phát triển trong các ngành: Sản xuất ô tô; Công nghệ vũ trụ; Dược phẩm và công nghệ sinh học; Cơ khí và chế tạo máy; Nông nghiệp với các sản phẩm chính gồm ngũ cốc, khoai tây, chăn nuôi gia súc và sản xuất sữa.

Thành phố Kaluga, thủ phủ của vùng là nơi Giáo sư Konstantin Eduardovich Tsiolkovsky (1857–1935) là một nhà khoa học, nhà toán học và triết gia người Nga - người đặt nền móng lý thuyết cho ngành du hành vũ trụ - dành phần lớn cuộc đời sống và làm việc. Đặc biệt, tàu Sputnik 1 - vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái Đất, đánh dấu kỷ nguyên du hành vũ trụ của loài người – khi phóng vào vũ trụ ngày 4/10/1957 đã mang hình ảnh lá cờ của vùng Kaluga với ý nghĩa đặc biệt tôn vinh Giáo sư Tsiolkovsky và Kaluga nơi ông đã dành nhiều năm nghiên cứu về nghiên cứu và phát triển các ý tưởng đột phá về động lực học tên lửa.

Vùng Kalaga cũng là nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới tại thành phố Obninsk đi vào hoạt động năm 1954, đánh dấu sự khởi đầu của việc ứng dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích hòa bình. Công nghệ của Obninsk đã được cải tiến và sử dụng cho các nhà máy điện hạt nhân lớn hơn trên toàn thế giới.

 

Cung cấp tin: TS. Lê Quỳnh Liên – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế
Ảnh: Minh Tâm

 

 



Tags:
Related news