Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu đánh giá tai biến trượt đất bằng tích hợp các phương pháp địa chất, địa mạo, mô hình trọng số tối ưu của GIS ở các lưu vực sông khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, đề xuất các giải pháp phòng tránh
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Địa chất
Thuộc Danh mục đề tài Hướng Khoa học trái đất (VAST05)
Họ và tên TS. Mai Thành Tân
Thời gian thực hiện 01/01/2011 - 01/01/2012
Tổng kinh phí 400.000.000 đ
Xếp loại Khá
Mục tiêu đề tài

Làm sáng tỏ các nguyên nhân chính gây ra trượt đất từ đó xây dựng được mô hình đánh giá tối ưu nguy cơ trượt đất trong khu vực và đề xuất các biện pháp phòng tránh giảm thiểu nguy cơ trượt đất.

Kết quả chính của đề tài

Đề tài đã tiến hành thu thập tài liệu liên quan đến trượt đất và khu vực nghiên cứu, tổ chức điều tra khảo sát thực địa để thu thập bổ sung và cập nhật thêm tài liệu mới. Các tài liệu kể trên là cơ sở để đánh giá hiện trạng trượt đất, xác định các nhân tố chính trong khu vực có tác động đến trượt đất và định hướng tiếp cận nghiên cứu đánh giá nguy cơ trượt đất.
Để đánh giá nguy cơ trượt đất cho khu vực nghiên cứu, hai vùng chìa khóa đặc trưng cho cho vực bao gồm vùng chìa khóa số 1 - Thừa Thiên Huế và số 2 - Quảng Nam, kéo dài theo hướng Tây - Đông từ biên giới Việt Lào ra đến biển, nằm ngang giữa các tỉnh cùng tên đã được nghiên cứu một các chi tiết. 9 nhân tố có ảnh hưởng nhất đến trượt đất trong khu vực được xác định và xây dựng bản đồ: Độ dốc, Độ phân cắt ngang, Độ phân cắt sâu, Đứt gãy, Thạch học, Vỏ phong hóa - thổ nhưỡng, Lượng mưa năm, Lớp phủ mặt đất, Độ gần đường. Các lớp trong từng bản đồ được lượng hóa gán giá trị bằng cách chuẩn hóa mật độ trượt đất của chúng trên thang điểm từ 1 đến 9 ; 1 điểm ứng với lớp có mật độ nhỏ nhất và 9 điểm ứng với lớp mật độ lớn nhất. Mật độ trượt đất của lớp được xác định ở trong vùng chìa khóa bằng tỷ số giữa số lượng trượt đất quy đổi xảy ra lớp và diện tích lớp đó. Trượt đất quy đổi được sử dụng để tính tới quy mô kích cơ trượt đất, ở đây các trọng số quy đổi là 1, 2 và 3 đối với các quy mô trượt tương ứng nhỏ, trung bình và lớn. Mức độ quan trọng của mỗi nhân tố trong tổng thể tập hợp các nhân tố gây trượt được xác định trên cơ sở số lượng trượt đất có thể sinh ra trên toàn khu vực nghiên cứu với giả thiết mật độ trượt trong mỗi lớp mỗi nhân tố là tương tự như tính toán trong ở vùng chìa khóa. Trọng số của một nhân tố được xác định là tỷ số giữa số lượng trượt đất gây ra bởi nhân tố đó và tổng số lượng trượt đất gây ra bởi tất cả các nhân tố gây trượt đất.
Tích hợp 9 bản đồ nhân tố với hệ số cho từng bản đồ và điểm giá trị cho từng lớp trên từng bản đồ được xác định như trên tạo ra bản đồ chỉ số nhạy cảm trượt đất. Bản đồ nguy cơ trượt đất được xây dựng trên cơ sở phân chia chỉ số nhạy cảm trượt đất theo nguyên tắc độ lệch chuẩn thành 5 lớp nguy cơ trượt đất : rât thấp, thấp, trung bình, cao và rất cao. Từ đó, nguy cơ trượt đất được đánh giá cụ thể cho các vùng chìa khóa, cho các tỉnh và cho các lưu vực và đưa ra các giải pháp phòng tránh trượt đất phi công trình (quy hoạch sử dụng đất, theo dõi cảnh báo, tuyên truyền giáo dục) và công trình.
Kết quả chính mà đề tài đạt được là đã đánh giá được hiện trạng trượt đất trong khu vực, xác định các yếu tố chính gây trượt đất, xây dựng được mô hình tích hợp các nhân tố để có được bản đồ nguy cơ trượt đất, thể hiện nguy cơ trượt đất theo quy mô lãnh thổ khác nhau và đưa ra được các giải pháp phòng tránh trượt lở đất. Kiểm chứng mô hình bằng thực tế trượt đất trong vùng chìa khóa cũng như trên toàn khu vực nghiên cứu cho thấy kết quả đề tài đã đạt là chấp nhận được.
Về khoa học, kết quả của đề tài góp phần thúc đẩy và định hướng nghiên cứu xử lý tai biến địa chất; nghiên cứu những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn trong quy hoạch sử dụng hợp lý lãnh thổ, quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường; nghiên cứu phương pháp luận về phát triển bền vững, tăng cường năng lực giám sát tai biến địa chất.
Về ứng dụng, bản đồ nguy cơ trượt đất là cơ sở để địa phương có định hướng sử dụng lãnh thổ. Trên bản đồ sẽ chỉ ra những khu vực có nguy cơ trượt đất cao thấp khác nhau, nhờ đó địa phương có kế hoạch sử dụng đất một cách hữu hiệu

Những đóng góp mới

Đưa ra một cách tiếp cận khác với truyền thống trước đây trong đánh giá trượt đất. Trượt đất trên diện tích lớn được đánh giá dựa trên nghiên cứu chi tiết tại các vùng chìa khóa. Đánh giá các yếu tố gây trượt được lượng hóa một cách khách quan trên cơ sở mật độ trượt đất có tính đến kích cỡ quy mô trượt đất.

Địa chỉ ứng dụng

Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.