Thông tin Đề tài

Tên đề tài Điều tra nghiên cứu đa dạng côn trùng dọc cung đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên,đề xuất các giải pháp bảo vệ và phát huy đa dạng côn trùng
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
Thuộc Danh mục đề tài Hướng Đa dạng sinh học và các hợp chất có hoạt tính sinh học (VAST04)
Họ và tên PGS. TS. Tạ Huy Thịnh
Thời gian thực hiện 01/01/2011 - 01/01/2012
Tổng kinh phí 350 triệu đồng
Xếp loại Xuất sắc
Mục tiêu đề tài

Đánh giá sự đa dạng côn trùng dọc cung đường qua Trung bộ và Tây Nguyên; tìm hiểu các biểu hiện và xu hướng tác động từ hoạt động của con người do sự có mặt của con đường lên đa dạng côn trùng ở đó; đề xuất một số giải pháp bảo vệ và phát huy đa dạng côn trùng.

Kết quả chính của đề tài

Về khoa học:

Điều tra được tiến hành từ 2004-2012 trong phạm vi 2 km hai bên đường Hồ Chí Minh qua Miền Trung và Tây Nguyên, đi qua 194 địa điểm (xã, thị trấn, thành phố) thuộc 11 tỉnh (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông). Riêng 4 tỉnh Tây Nguyên, có 63 địa điểm. Ba khu rừng được bảo vệ cũng đã được chọn như đối chứng là VQG Chư Mom Ray (Kon Tum), VQG Kon Ka Kinh (Gia Lai) và Khu BTTN Sông Thanh (Quảng Nam). Tổng số 5273 loài côn trùng thuộc 168 họ, 14 bộ đã được xác định, trong đó riêng khu vực Tây Nguyên là 2812 loài. Đã mô tả 05 loài mới cho khoa học: Polydictya vietnamica Constant et Pham, 2008 (Fulgoridae, Homoptera), Purana trui Thai et al., 2012 (Cicadidae, Homoptera), Camptotypus trui Pham et. al., 2012 (Ichneumonidae, Hymenoptera), Dendrolimus bazarovi Zolotuhin et Tran, 2009 (Lasiocampidae, Lepidoptera) and  Tyloperla trui Cao et Bae, 2007 (Perlidae, Plecoptera)); 422 loài là ghi nhận mới cho khu hệ Việt Nam. Hai loài xén tóc Dorysthenes granulosus và Dorysthenes walkeri được ghi nhận lần đầu trên cây mía; hai loài bọ xít Acestra yunana và Udonga spinidens được ghi nhận lần đầu trên cây tre, luồng; hai loài Ve sầu Pomponia backanensis và Tanna kimtaewooi được ghi nhận lần đầu trên cây cà phê. Giữa 194 điểm điều tra có 65/194 điểm có hệ sinh thái bị tác động nhẹ; 62/194 điểm bị tác động vừa và 67/194 điểm bị tác động mạnh. Mức độ đa dạng côn trùng tính theo Chỉ số đa dạng (Shannon deversity Index H’) và chỉ số phong phú loài (Species richness Index d’) chứng tỏ các điểm nghiên cứu bị tác động nhẹ có giá trị H’ và d cao, tương đương với các VQG và Khu BTTN; các điểm nghiên cứu bị tác động vừa có giá trị H’ và d trung bình và các điểm bị tác động mạnh có các giá trị này thấp. Các giải pháp bảo vệ và phát huy đa dạng côn trùng đã được đề xuất gồm bộ 3 công cụ: Quản lý Nhà nước, Kỹ thuật và Cộng đồng.

Những đóng góp mới

Đã cho biết hiện trạng và dự báo xu hướng biến đổi đa dạng côn trùng dọc tuyến đường HCM qua Trung bộ và Tây Nguyên khi vận hành. Đã xây dựng danh sách các loài côn trùng ở Trung bộ và Tây Nguyên gồm 5273 loài thuộc 168 họ, 14 bộ;  trong đó có 05 loài là loài mới cho khoa học; 422 loài là ghi nhận mới cho khu hệ Việt Nam. Góp phần xây dựng bộ mẫu côn trùng của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

Khu vực nghiên cứu

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA ĐỀ TÀI

24.tahuythinh
Các loài côn trùng có giá trị bảo tồn: 1 - Troides aeacus aeacus;  2 - Phyllium westwoodi; 3 - Cheirotonus gestroi; 4 - Cheirotonus parryi; 5- Chalcosoma caucasus; 6 - Chalcosoma atlas; 7 - Eupatorus siamensis; 8 - Dorcus titanus westermanni; 9 - Dorcus curvidens curvidens; 10 - Dorcus antaeus; 11 - Lethocerus indicus


Một số loài gây hại cây trồng: 1-2: Mọt đục quả cà phê Hypothenemus hampei; 3: Ve sầu hại cà phê Pomponia backanensis; 4: Ve sầu hại cà phê Tanna kimtaewooi; 5-6: Vỏ lột xác loài ve sầu Tanna kimtaewooi  trên cà phê

24.tahuythinh2
Tác động lên hệ sinh thái tự nhiên ở Tây Nguyên: 1: Phá rừng làm nương rãy ở Đắk Glei, Kon Tum; 2: Khai thác gỗ ở rừng Đắk Hà, Kon Tum; 3: Đốt rừng thông để trồng cây công nghiệp ở Krông Buk, Đắk Lắk; 4: Phá rừng để trồng cây công nghiệp ở Đắk Song, Đắk Nông; 5-6: Phá rừng thông để trồng cây công nghiệp ở Đắk Song, Đắk Nông

Địa chỉ ứng dụng

Đề nghị chuyển giao cho các cơ quan hữu quan như các Sở khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các Chi cục Kiểm lâm thuộc 11 tỉnh Trung bộ và Tây Nguyên để tham khảo.