Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái quần xã vi sinh vật (vi rút, vi khuẩn và vi tảo) trên rạn san hô vùng biển ven đảo phía Bắc Việt Nam nhằm đánh giá sức khỏe và đề xuất giải pháp sử dụng bền vững hệ sinh thái san hô
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Tài nguyên và Môi trường biển
Thuộc Danh mục đề tài Hướng Khoa học và Công nghệ biển (VAST06)
Họ và tên ThS. Phạm Thế Thư
Thời gian thực hiện 01/01/2011 - 01/01/2012
Tổng kinh phí 400.000.000 đồng
Xếp loại Xuất sắc
Mục tiêu đề tài

• Xác định mối tương quan sinh thái giữa quần xã vi rút, vi khuẩn và vi tảo với quần xã san hô khỏe mạnh và san hô bị bệnh ở một số trọng điểm.
• Bước đầu đề xuất biện pháp hạn chế tác hại do vi sinh vật gây ra nhằm bảo vệ sức khỏe và phát triển cân bằng của hệ sinh thái san hô ở điểm nghiên cứu.

Kết quả chính của đề tài

Về Khoa học

Sự kết hợp giữa phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại đã được áp dụng, như phương pháp nuôi cấy trên môi trường chọn lọc, nhuộm phân tử - SYBR Gold, PCR-DGGE, Biolog, đọc trình tự…, đề tài đã giải quyết tốt các nội dung đã đặt ra và một số kết quả chính đã đạt được như sau:

- Một loạt kết quả nghiên cứu mới, đồng bộ về vi khuẩn, vi rút và vi tảo cộng sinh trên san hô ven đảo Cát Bà, Long Châu ở Hải Phòng được thực hiện với các phương pháp nghiên cứu hiện đại đang được thực hiện ở các nước tiên tiến bởi các nhà nghiên cứu Việt Nam. Đây là những dữ liệu có giá trị, có thể sử dụng như là các tư liệu nền để so sánh, đối chiếu trong các nghiên cứu khác ở vùng nghiên cứu sau này.
- Có được các dẫn liệu nghiên cứu về hiện trạng phân bố và biến động mật độ theo không gian của các nhóm vi khuẩn, vi rút tổng số và vi tảo cộng sinh (zooxanthellae) trên các môi trường dịch nhầy của 18 loài san hô cũng như trong môi trường nước xung quanh ở vùng ven đảo Cát Bà, Long Châu (thuộc Hải Phòng, Việt Nam). Đây là những dẫn liệu rất quan trọng, góp phần đánh giá sự đa dạng và sinh thái quần xã vi sinh vật trên san hô.
- Có được các dẫn liệu nghiên cứu về cấu trúc quần xã vi khuẩn, vi rút, vi tảo cộng sinh san hô cũng như mối tương quan qua lại giữa chúng. Đối với quần xã vi khuẩn, đã định lượng được các nhóm hình thái vi khuẩn chủ yếu, tổng số đơn vị phân loại trong mẫu, khả năng hấp thụ và chuyển hóa 31 hợp chất, thuộc 6 nhóm chất hữu cơ. Đối với vi rút, đã xác định được số lượng và biến động số lượng hạt vi rút có trong môi trường nghiên cứu (dịch nhầy san hô, môi trường nước xung quanh, giữa các khu vực phân bố). Đối với vi tảo (zooxanthellae), đã xác định được mật độ và biến động vi tảo tổng số trên các môi trường nghiên cứu.
- Đã có được các dẫn liệu về sự biến động của các đặc điểm quần xã vi khuẩn, vi rút và vi tảo (zooxanthellae) trên một số loài san hô ở trạng thái khỏe mạnh và bị bệnh (bệnh dãi trắng và bệnh đốm đỏ) tại khu vực nghiên cứu. Đây là những kết quả ban đầu có giá trị trong việc nghiên cứu vai trò của vi sinh vật với sức khỏe của san hô.
- Trên cơ sở thực hiện đề tài và tham khảo các tài liệu nghiên cứu khác, bước đầu đã đề xuất được biện pháp đánh giá sức khỏe san hô, nhằm góp phần phát triển bền vững hệ sinh thái san hô.

Về ứng dụng

- Đề xuất được biện pháp đánh giá sức khỏe san hô, nhằm góp phần phát triển bền vững hệ sinh thái san hô.
- Kết quả của đề tài là nguồn tài liệu mới, quý để cho các nhà khoa học, học sinh, sinh viên làm tài liệu cho tham khảo và giảng dạy.

Những đóng góp mới

Một loạt kết quả nghiên cứu mới, đồng bộ về vi khuẩn, vi rút và vi tảo cộng sinh trên san hô ven đảo Cát Bà, Long Châu ở Hải Phòng được thực hiện với các phương pháp nghiên cứu hiện đại đang được thực hiện ở các nước tiên tiến bởi các nhà nghiên cứu Việt Nam. Đây là những dữ liệu có giá trị, có thể sử dụng như là các tư liệu nền để so sánh, đối chiếu trong các nghiên cứu khác ở vùng nghiên cứu sau này.