Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu đa dạng sinh học và phân loại các loài ong bắt mồi và ong mật (Hymenoptera: Vespidae và Apoidea) ở khu vực Tây Bắc Việt Nam
Mã số đề tài QTBG01.01/21-22
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
Cơ quan phối hợp Viện Hàn lâm khoa học Bungari.
Thuộc Danh mục đề tài Nhiệm vụ Hợp tác Quốc tế
Họ và tên Phía Việt Nam: PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Liên; Phía đối tác: PGS. TS. Toshko Ljubomirov
Thời gian thực hiện 01/01/2021 - 31/12/2022
Tổng kinh phí 200 triệu đồng
Xếp loại Xuất sắc
Mục tiêu đề tài

Trong giai đoạn đầu tiên, nhiệm vụ có các mục tiêu sau:
- Ghi nhận sự đa dạng trên thực tế của các loài ong bắt mồi thuộc họ Vespidae, Crabronidae và các loài ong mật thuộc họ Halictidae và Apidae ở ba tỉnh Lào Cai, Sơn La và Hòa Bình;
- Tu chỉnh về phân loại học và mô tả các loài mới cho khoa học của các họ nêu trên;
- Xây dựng bộ sưu tập mẫu vật so sánh của các họ nêu trên.

Kết quả chính của đề tài

- Đã ghi nhận được 137 loài ong cánh màng thuộc bốn họ Apidae, Halictidae, Crabronidae và Vespidae ở 3 tỉnh Lào Cai, Sơn La và Hòa Bình thuộc khu vực Tây Bắc nước ta, trong đó có 25 loài và 10 giống thuộc họ Apidae, 10 loài và 4 giống thuộc họ Halictidae, 23 loài thuộc 12 giống thuộc họ Crabronidae và 78 loài và 35 giống thuộc họ Vespidae. Số lượng các loài ghi nhận được nhiều nhất ở Lào Cai (89 loài), tiếp đến là Hòa Bình (65 loài) và Sơn La (57 loài), trong đó có 46 loài chỉ ghi nhận được ở Lào Cai, 20 loài chỉ ghi nhận được ở Sơn La và 17 loài chỉ ghi nhận được ở Hòa Bình. Điều này cho thấy tính đặc thù trong phân bố của các loài ong có ngòi đốt thuộc bốn họ ở các điểm nghiên cứu: các điểm thu mẫu có sự khác biệt rõ ràng về độ cao, sinh cảnh và thảm thực vật. Trong khi điểm thu mẫu ở Sơn La (Vân Hồ, Sốp Cộp) có độ cao thấp hơn, trung bình từ 600-900m với các khối núi đá vôi và núi đất nằm rải rác thì các điểm thu mẫu ở Hòa Bình (Mai Châu) lại nằm trên độ cao trung bình từ 900-1400m với các khối núi đá vôi rải rác, còn các điểm thu mẫu ở Lào Cai (chủ yếu ở Bát Xát, Sa Pa) nằm trên độ cao từ 1800 m trở lên với chủ yếu là các dãy núi đá vôi cao.
- Có một loài mới cho khoa học, ba giống và ba loài là ghi nhận mới cho khu hệ các loài ong cánh màng ở Việt Nam. Trong đó, họ Apidae có 1 giống mới được mô tả cho khoa học (Ebaiotrigona Engel & Nguyen, 2022), họ Vespidae có một loài mới cho khoa học đã được mô tả (Pararrhynchium simsanum Nguyen & Tran, 2021) và hai loài ghi nhận mới (Polistes adustus Bingham, 1897 và Vespa vivax Smith, 1870). Họ Crabronidae có ba giống ghi nhận mới (Crossocerus, Lestica và Tachytes) và một loài ghi nhận mới (Trypoxylon flavipes Tsuneki, 1979).
- Đã xây dựng khóa định loại cho các loài thuộc giống Pararrhynchium (Vespidae) trên thế giới và các loài thuộc giống Vespa (Vespidae) ở Việt Nam.
- Đã công bố 02 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc danh lục SCI-E.
- Đã xây dựng bộ mẫu vật gồm 100 mẫu của 35 loài, lưu trữ tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, góp phần bổ sung mẫu vật cho công tác nghiên cứu và đào tạo ở nước ta.
- Đã hỗ trợ đào tạo cho 01 NCS.

Sản phẩm của đề tài:

- Các bài báo đã công bố (liệt kê): đã công bố 02 bài báo trên tạp chí thuộc danh lục ISI (SCI-E):
Nguyen LTP, Tran NT, Bui DT, Ljubomirov T, 2021. Two new species of the genus Pararrhynchium de Saussure (Hymenoptera: Vespidae: Eumeninae) from Vietnam, with updated key to all known species. Zootaxa, 5082 (2): 159-168.
Heather R. Mattila, Gard W. Otis, Johan Billen, Lien T. P. Nguyen, Satoshi Shimano, 2022. Comparative morphology of the sternal glands of hornets in the genus Vespa. Biology 11, 245.
- Các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích (liệt kê nếu có): không
- Các sản phẩm (mô tả sản phẩm, nơi lưu giữ):
Bộ sưu tập mẫu vật so sánh gồm 100 mẫu vật của 35 loài thuộc 4 họ Apidae, Halictidae, Crabronidae và Vespidae thu thập ở ba tỉnh Tây Bắc nước ta (Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình). Các mẫu vật được cắm ghim, sấy khô, có đầy đủ thông tin, được bảo quản trong các hộp gỗ và được lưu trữ ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
- Đào tạo: Hỗ trợ đào tạo 01 NCS.

Những đóng góp mới

- Có một giống và một loài mới cho khoa học đã được mô tả, ba giống và ba loài là ghi nhận mới cho khu hệ các loài ong cánh màng của Việt Nam.
- Lần đầu tiên, bộ sưu tập mẫu vật so sánh của một số loài thuộc họ Crabronidae được xây dựng, góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu và đào tạo chuyên gia về nhóm đối tượng nghiên cứu này ở nước ta.

Địa chỉ ứng dụng

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được sử dụng bởi các cơ quan chức năng của ba tình Tây Bắc như Chi cục kiểm lâm, KBTTN Bát Xát, KBTTN Hang Kia – Pà Cò, KBTTN Sốp Cộp và Xuân Nha, đây là cơ sở khoa học để các cơ quan này xây dựng kế hoạch, quy hoạch bảo tồn, phát huy và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Kiến nghị

Thành phần các loài ong cánh màng bộ Hymenoptera ở Việt Nam là rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên nghiên cứu về phân loại của các loài thuộc tổng họ Vespoidea và Apoidea còn ít được chú trọng, vì vậy đề nghị được tiếp tục nghiên cứu về phân loại và sự phân bố của nhóm ong này ở các khu vực khác của nước ta để có một cái nhìn khái quát và đầy đủ về sự đa dạng của nhóm này ở Việt Nam, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nghiên cứu bảo tồn và sử dụng chúng trong tương lai.

Ảnh nổi bật đề tài
1673332332991-189.png