Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu và xây dựng quy trình phòng trừ sinh học các loại côn trùng chính (bọ trĩ, bọ phấn trắng) và nhện hại trên cây dưa lưới được canh tác trong nhà lưới tại Tp. Hồ Chí Minh
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Sinh học Nhiệt đới
Thuộc Danh mục đề tài Đề tài hợp tác với các ngành và địa phương
Họ và tên PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo
Thời gian thực hiện 01/01/2016 - 01/01/2018
Tổng kinh phí 1.300 triệu, trong đó: - VAST: 600 triệu- Bộ, ngành, địa phương: 700 triệu
Xếp loại Xuất sắc
Mục tiêu đề tài

Xây dựng và hoàn thiện qui trình phòng trừ sinh học các loại côn trùng chính (bọ trĩ, bọ phấn) và nhện nhỏ gây hại trên cây dưa lưới được canh tác trong nhà lưới tại Tp.HCM.

Kết quả chính của đề tài

- Về khoa học: 
+ Đã xác định được thành phần côn trùng và nhện hại trong nhà lưới kín, phun thuốc theo quy trình canh tác của Khu Nông nghiệp công nghệ cao là nhện hại Tetranychus urticae, bọ trĩ Thrips palmi và bọ phấn Bemisia tabaci. Trong khi ở điều kiện nhà lưới mở, không phun thuốc thì ngoài ba loại sâu hại nêu trên còn có rầy Aphis gossypii, sâu xanh hai sọc trắng Diaphania sp., bọ xít hại. Thành phần thiên địch chỉ gồm nhện bắt mồi bắt mồi (A. longispinosus và A. tamatavensis) và bọ xít bắt mồi Orius sp. ở nhà lưới kín, trong điều kiện nhà lưới mở không phát hiện thấy loài bọ xít bắt mồi này. 
Đã xác định được diễn biến mật số của bọ trĩ, bọ phấn và nhện hại cũng như nhện bắt mồi và bọ xít bắt mồi trong một vụ ở cả điều kiện canh tác kín và mở và trong 3 vụ trong năm. 
+ Đã xác định đặc điểm sinh học của bọ xít Orius sp., Geocoris sp. và Amblyseius swirskii khi nuôi bằng các loại thức ăn khác nhau. 
+ Đã xây dựng được quy trình sản xuất hàng loạt A. swirskii, Orius sp. và Geocoris sp., trong đó loại thức ăn được sử dụng để nhân nuôi các loài thiên địch nói trên lần lượt là thức ăn nhân tạo ArP-TT, trứng Atermia và thức ăn nhân tạo. Với những loại thức ăn này thì việc nhân nuôi các loài thiên địch sẽ mang lại sinh khối lớn và ít tốn công lao động.
+ Đã đánh giá được khả năng ăn mồi của các loài thiên địch hàng A. swirskii, Orius sp. và Geocoris sp.
+ Đã xây dựng được quy trình phòng trừ sinh học bọ trĩ T. palmi và nhện hại T. urticae trên cây dưa lưới trong nhà lưới. Việc sử dụng kết hợp hai loại bắt mồi là nhện A. swirskii và bọ xít Orius sp. đã khống chế được T. urticaeT. palmi tốt hơn so với sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.
- Về ứng dụng: 
Sử dụng các thiên địch bắt mồi A. swirskii, Orius sp., Geocoris sp. trong phương pháp phòng trừ sinh học có thể thay thế thuốc trừ sâu, trừ nhện hóa học trong phòng trừ bọ trĩ, bọ phấn, rệp đào và nhện đỏ gây hại trên cây dưa lưới và các cây trồng trong hệ thống nhà kính nhà lưới trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh.

Một số hình ảnh của đề tài:

ntpthao1

ntpthao2

Những đóng góp mới

- Lần đầu tiên phương pháp phòng trừ hoàn toàn bằng các tác nhân sinh học trong hệ thống nhà lưới được nghiên cứu và ứng dụng trong điều kiện sản xuất tại Việt Nam.
- Các quy trình nhân nuôi hàng loạt nhện nhỏ bắt mồi, bọ xít bắt mồi bằng thức ăn nhân tạo cũng lần đầu tiên được thực hiện.

Sản phẩm đề tài

- Các bài báo đã công bố (liệt kê):
+ 4 bài đã công bố trong tạp chí trong nước:
Công nghệ sinh học, Hội nghị côn trùng học Quốc gia lần thứ 9 và Kỷ yếu hội thảo khoa học quản lý dịch hại tổng hợp cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học trong phát triển nông nghiệp xanh.
.1. “Khả năng phát triển của bọ xít bắt mồi Orius sp. trên bốn loại thức ăn” (Tạp chí Sinh học, 15 (3A): 123 – 128, 2017).
.2. “Ảnh hưởng của nhiệt độ lên quá trình phát triển và sinh sản của Amblyseius swirskii trên các thức ăn khác nhau” (Hội nghị Côn trùng Quốc gia lần thứ 9, 946 – 954, Nhà xuất bản nông nghiệp, 2017).
3. “Khả năng phát triển của nhện nhỏ bắt mồi Amblyseius swirskii trên các thức ăn khác nhau” (Hội nghị Côn trùng Quốc gia lần thứ 9, 961 – 968, Nhà xuất bản nông nghiệp 2017).
4. “Nghiên cứu quy trình nhân nuôi sinh khối nhện nhỏ bắt mồi Amblyseius swirskii (Acari: Phytoseiidae)” (Kỷ yếu hội thảo khoa học quản lý dịch hại tổng hợp cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học trong phát triển nông nghiệp xanh, 242 – 254, Nhà xuất bản nông nghiệp 2017)

+ 2 bài đang trong giai đoạn phản biện của tạp chí Sinh học và Công nghệ sinh học:
* Ảnh hưởng của các loại thức ăn đến một số đặc điểm sinh học của bọ xít mắt to Geocoris sp. (Hemiptera: Geocoridae).
* Tương tác giữa bọ xít bắt mồi Orius sp. và nhện bắt mồi Amblyseius swirskii trong phòng trừ bọ trĩ Thrips palmi trên cây dưa lưới.
- Các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích (liệt kê)
- Các sản phẩm cụ thể (mô tả sản phẩm, nơi lưu giữ):
+ Quy trình nhân nuôi và sản xuất hàng loạt nhện nhỏ bắt mồi Amblyseius swirskii
+ Quy trình nhân nuôi và sản xuất hàng loạt bọ xít Orius sp.
+ Quy trình nhân nuôi và sản xuất hàng loạt bọ xít mắt to Geocoris sp.
+ Quy trình sử dụng và phóng thả từng loại thiên địch riêng biệt.
+ Quy trình phòng trừ sinh học trên dưa lưới trong nhà lưới, nhà kính.
+ 1000 con cái nhện bắt mồi A. swirskii
+ 500 trưởng thành Bọ xít bắt mồi Orius sp.
+ 500 trưởng thành Bọ xít bắt mồi Geocoris sp.
- Các sản phẩm khác (nếu có)
+ Đào tạo 2 Thạc sĩ chuyên ngành Bảo vệ thực vật.

Địa chỉ ứng dụng

- Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao – Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh.
- Trung tâm ứng dụng và triển khai khoa học công nghệ - Viện Sinh học nhiệt đới