Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu phân loại, phân bố và thành phần hóa học của cây sâm mọc tự nhiên ở Lai Châu
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Thuộc Danh mục đề tài Hướng Đa dạng sinh học và các hợp chất có hoạt tính sinh học (VAST04)
Họ và tên TS. Phan Kế Long
Thời gian thực hiện 01/01/2012 - 01/01/2013
Tổng kinh phí 500 triệu đồng
Xếp loại Khá
Mục tiêu đề tài

- Xác định được tên khoa học và phân bố của loài Sâm mọc tự nhiên tại Lai Châu
- Xác định được các thành phần hóa học chủ yếu của loài Sâm mọc tự nhiên tại Lai Châu

Kết quả chính của đề tài

- Về khoa học:
+ Đã xác định được nơi sống của Sâm lai châu là dưới tán rừng nguyên sinh, rậm, thường xanh mưa mùa nhiệt đới cây lá rộng, nơi tiếp giáp giữa đai núi thấp và đai núi trung bình, trên tầng A1 của đất Humic Acrisols (ACu) phong hóa của đá phiến sét và đá silicát, giầu mùn và các chất dinh dưỡng, dưới chế độ khí hậu gió mùa nhiệt đới vùng núi, mưa hè, không có thời kỳ khô rõ rệt, nhưng có đến ít nhất 5 tháng lạnh.
+ Sâm lai châu có phân bố ở dãy núi Pu Si Lung và lân cận (Mường Tè và tây Sìn Hồ, giáp biên giới với Trung Quốc) và dãy núi Pu Sam Cáp nằm giữa các huyện Sìn Hồ và Tam Đường với Tp Lai Châu.
+ Sâm lai châu hiện Bị đe dọa tuyệt chủng ở mức độ trầm trọng (CR) theo các điều khoản A2a,c,d; B2b(ii,iii,v); C2a(i);E (Tiêu chuẩn IUCN, 2010). Nguyên nhân là do nạn khai thác quá mức thân rễ để xuất khẩu sang Trung Quốc làm thuốc quý và môi trường sống bị con người tác động nghiêm trọng (chặt phá rừng để khai thác gỗ, làm nương rẫy và nhất là trồng Thảo quả Amomum tsaoko).
+ Sâm lai châu được định danh là thứ Panax vietnamensis var. fuscidiscus trên cơ sở phân tích các đặc điểm hình thái và sinh học phân tử (matK và ITS-rDNA).
+ Sâm lai châu có thể có các saponin tương tự như saponin của P. vietnamensis var. vietnamensis và P. stipuleanatus.
- Về ứng dụng:
+ Kết quả nghiên cứu đã khẳng định được loài sâm thu ở Lai Châu là loài Panax vietnamensis var. fuscidiscus có giá trị trong y dược do có thể chứa một số saponin tương tự như P. vietnamensis var. vietnamensis và P. stipuleanatus.
+ Đã xác định được vùng phân bố, điều kiện sống và hiện trạng để có thể đề xuất các phương án bảo tồn và phát triển bền vững loài thuốc quý này.

Những đóng góp mới
  • Đã xác định được tên của loài sâm mọc ở Lai Châu là Panax vietnamensis var. fuscidiscus K. Komatsu, S. Zhu & S.Q. Cai, 2003.
  • Đã xác định Panax vietnamensis var. fuscidiscus có thể chứa các saponin giống như P. vietnamensis.
  • Đã xác định được địa điểm phân bố, điều kiện sống của Panax vietnamensis var. fuscidiscus.
  • Đã công bố trình tự vùng gen matK và ITS-rDNA của Panax vietnamensis var. fuscidiscus lên Genbank.
Sản phẩm đề tài

- Các bài báo đã công bố (liệt kê)

  • Phan Ke Long, Le Thanh Son, Phan Ke Loc, Vu Dinh Duy, Pham Van The (2013). Lai Chau ginseng Panax vietnamensis var. fuscidiscus K. Komatsu, S. Zhu & S.Q. Cai I. morphology, ecology, distribution and conservation status. Proceeding of the 2nd VAST-KAST Workshop on Biodiversity and Bio-active compounds, 65-73.
  • Phan Kế Long, Vũ Đình Duy, Nguyễn Giang Sơn, Nguyễn Thị Phương Trang, Lê Mai Linh, Phan Kế Lộc (2014). Nghiên cứu đặc điểm di truyền của các mẫu Sâm thu ở Lai Châu trên cơ sở phân tích trình tự vùng gen matK và ITS-rDNA. Tạp chí Công nghệ sinh học (đang in).

- Các sản phẩm cụ thể (mô tả sản phẩm, nơi lưu giữ)

  • Tiêu bản Panax vietnamensis var. fuscidiscus lưu giữ tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
  • Bộ mẫu lá và thân củ của Sâm ngọc linh Panax vietnamensis var. vietnamensis, Sâm lai châu Panax vietnamensis var. fuscidiscus và Tam thất hoang Panax stipuleanatus lưu giữ trong tủ âm sâu tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
  • Dữ liệu trình tự nucleotide vùng gen matK, ITS-rDNA của Sâm ngọc linh Panax vietnamensis var. vietnamensis, Sâm lai châu Panax vietnamensis var. fuscidiscus và Tam thất hoang Panax stipuleanatus được lưu giữ trên Genbank
  • Dẫn liệu HPLC/UV của Sâm ngọc linh Panax vietnamensis var. vietnamensis, Sâm lai châu Panax vietnamensis var. fuscidiscus và Tam thất hoang Panax stipuleanatus được lưu giữ tại Viện Hóa sinh biển và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
  • Các báo cáo chuyên đề lưu giữ tại Bảo tàng Thiên nhiên Viêt Nam

49.phankelong

Địa chỉ ứng dụng

Đề nghị áp dụng kết quả nghiên cứu trong việc bảo tồn và phát triển bền vững Sâm lai châu Panax vietnamensis var. fuscidiscus trên địa bàn tỉnh Lai Châu.